Categories Doanh nhân

Bà Thái Hương và bức thư gửi Tổng thống Putin

Dù đang “chính danh” là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, nhưng bà Thái Hương lại được nhắc đến nhiều hơn với vai trò là người đã làm nên “cuộc cách mạng” nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Nữ doanh nhân tài ba này đã không ngừng mơ ước, có những quyết định dũng cảm và nỗ lực vô bờ bến để làm được điều vĩ đại đó.

Doanh nhân Thái Hương.

Tình đất và bước khởi đầu của những điều vĩ đại

Những ngày đầu năm 2020, hướng dương vẫn nở vàng rực trên những cánh đồng bát ngát ở cao nguyên Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn, Nghệ An). Trong cụm trang trại bò sữa lớn nhất châu Á của TH, đàn bò quy mô 45.000 con vẫn vừa nghe nhạc vừa chăm chỉ mang đến cho đời những dòng sữa tươi ngon, ngọt lành nhất. Còn tại Nhà máy Chế biến sữa tươi sạch TH, các dây chuyền vẫn đang chạy hết công suất để kịp cung ứng đủ nhu cầu sữa đang tăng cao.

Ngắm nhìn thành quả ấy, bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH mỉm cười hài lòng. Sau hơn 10 năm phát triển, mảnh đất có khí hậu khắc nghiệt ở miền Tây Nghệ An đã trở thành “thủ phủ bò sữa” ở Việt Nam. Bà đã biến điều không thể thành có thể.

Năm 2008, khi sự cố sữa nhiễm melamine nổ ra ở Trung Quốc, nghĩ đến con cái, đến những đứa trẻ Việt Nam có nguy cơ phải uống sữa bẩn, bà quyết định phải làm sữa, mà phải là sữa tươi sạch.

Khi bà nói kế hoạch đó với hội đồng cổ đông, mọi người ngớ ra. Không phải chỉ vì đây là lĩnh vực mới, mà còn vì dù Việt Nam đã chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ từ hơn 40 năm trước, nhưng gần như không một ai tin rằng, ở đất nước nhiệt đới này, nhất là ở vùng khí hậu khắc nghiệt như Nghệ An, lại có thể nuôi thành công bò sữa, loài vật ưa xứ lạnh.

Khi bà chia sẻ ý tưởng này với chồng, thậm chí ông còn nói với bà: “Anh xin em nhé, vợ chồng mình đã rời đuôi con bò, em còn muốn quay lại làm gì?”.

Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, ngay từ bé, bà đã quen với cuộc sống của một người nông dân. Bà biết thế nào là “con trâu đi trước cái cày đi sau”. Bà nói với chồng mình: “Nhưng con bò này là con bò khác, được quản trị bởi công nghệ nên nó mang lại cơ hội kinh doanh mới và lợi ích cho cả người nông dân và người tiêu dùng”.

Tất cả mọi người đã bị bà thuyết phục. Nhưng dù vậy, ở thời điểm ấy, đó là một quyết định dũng cảm. Ở Việt Nam, nào đã ai biết phải “làm sữa” ra tấm, ra món thế nào đâu. Trên thị trường, gọi là sữa tươi, nhưng thực tế phần nhiều là sữa hoàn nguyên, tức là nhập sữa bột về pha lại.

Vô cùng táo bạo, bà quyết định sang Israel để học hỏi kinh nghiệm, rồi quyết định “chơi lớn”. Bà cho nhập bò ngoại, nhập luôn cả công nghệ chăn nuôi bò sữa của Israel, thuê chuyên gia, vời cả nông dân của họ sang để giúp “chuyển giao công nghệ”. Quy trình trồng cỏ, quản lý đàn bò, quản trị thú y, xử lý nước thải…, tất tật đều sử dụng công nghệ hiện đại nhất của nước ngoài.

Khi ấy, chuyện đàn bò sữa của bà Thái Hương được gắn chip theo dõi sức khỏe, được nghe nhạc, được theo dõi từng bước chân… đã gây xôn xao dư luận.

Đúc kết kinh nghiệm, bà Thái Hương nhiều lần bảo, công thức thành công của bà chính là “tư duy vượt trội của người Việt + tài nguyên thiên nhiên Việt + công nghệ đầu cuối của thế giới”. Trong đó có lẽ, tư duy vượt trội là điều quan trọng nhất. Không có tư duy vượt trội, không có tầm nhìn sâu rộng, có lẽ bà Thái Hương cũng sẽ chấp nhận làm nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún như bao lâu nay người Việt đã từng.

Ngay từ đầu, bà đã chọn “chiến thuật” đứng trên vai người khổng lồ, và cũng ngay từ đầu, trong lúc nhiều doanh nhân khác còn loay hoay với đạt “chuẩn Việt Nam”, thì bà đã quyết làm “chuẩn quốc tế”, và nung nấu ý định đưa thương hiệu Việt ra thế giới.

Nghĩ lớn, làm lớn, bà đã nỗ lực không mệt mỏi để thực hiện khát vọng đó. Có lần, chúng tôi đã hỏi bà, sức mạnh nào ghê gớm như vậy khi bà cứ đi sớm về khuya, ngủ trên xe để thực hiện dự án TH ở Nghĩa Đàn, bà chỉ nói vỏn vẹn hai từ: “Tình đất”.

Vì hai chữ “tình đất”, bà quyết định gắn cuộc đời kinh doanh của mình với đồng đất quê hương. Làm sữa, rồi sau này trồng rau, trồng dược liệu… đã đành, ngay cả với BAC A BANK, bà cũng quyết định tái cơ cấu, tập trung tư vấn và cho vay các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Cũng nhờ vậy, bà đã thành công, làm nên “bước khởi đầu cho những điều vĩ đại”. Bởi từ khi có TH, cục diện thị trường sữa Việt đã có bước xoay chuyển ngoạn mục, Việt Nam đã biết thế nào là chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, chuyển dịch dần cơ cấu ngành sữa từ sử dụng sữa bột pha lại sang sữa tươi.

Bức thư gửi Tổng thống Putin

Một ngày cuối năm 2014, vừa tới văn phòng, bà Thái Hương đã thông báo với các cộng sự của mình: “Tôi sẽ viết thư gửi Tổng thống Putin”. Lần này, thì không phải là “ngớ người ra”, mà nhiều người tưởng bà nói đùa.

Nhưng bà viết thật. Lá thư đó đã được gửi tới Tổng thống Nga V. Putin vào năm 2015. Và đó là bước khởi đầu cho đại kế hoạch đầu tư tới 2,7 tỷ USD sang Nga trồng cỏ, nuôi bò, chế biến sữa của người đàn bà sữa Thái Hương.

Năm 2017, một bức thư khác tiếp tục được gửi tới Tổng thống Nga. Một bức tâm thư đầy cảm động, viết về tình yêu nước Nga, về niềm tin mãnh liệt rằng, nước Nga sẽ lại trỗi dậy hùng cường sau nhiều đổ vỡ. Khẳng định rằng “thời đại của công nghệ cao trong nông nghiệp đã biến những điều không thể thành có thể”, bà Thái Hương đã “thiết tha mong mỏi” Tổng thống Putin tạo điều kiện thuận lợi nhất để những điền chủ, nông dân Nga cùng những doanh nhân yêu quý nước Nga tận đáy lòng “có điều kiện và niềm tin để đầu tư, biến những vùng đất còn hoang lạnh, còn nghèo nàn trở thành những niềm tự hào mới của nước Nga”.

Thậm chí, bà Thái Hương còn khẳng định, nếu được Tổng thống Putin cấp cho vài chục ngàn hec-ta đất với những ưu đãi hợp lý, thì chỉ 1 năm sau, “sẽ biến khát vọng của Tập đoàn TH và sự ưu việt của công nghệ cao trong nông nghiệp thành một trang trại bò sữa tập trung nhiều ngàn con…”.

Nước Nga sau đó đã dành cho bà những cánh đồng bát ngát, những cơ chế ưu đãi phù hợp. Và bà Thái Hương đã thực hiện được lời hứa với Tổng thống Putin.

Cụm trang trại thứ nhất của TH tại Volokolamsk (tỉnh Moscow) đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 1/2018, với hơn 2.000 con bò đang cho sữa. Nhà máy chế biến sữa 1.500 tấn/năm ở Kaluga cũng đang trong quá trình xây dựng, hứa hẹn sẽ sớm cho ra mắt các sản phẩm sữa mang thương hiệu TH tại xứ sở Bạch dương.

Không dừng lại ở đó, các cụm trang trại khác ở Moscow, ở Bashkortostan và Primorye cũng đã được lên kế hoạch xây dựng. Nay mai trên toàn nước Nga rộng lớn, đàn bò của TH sẽ lên đến 350.000 con, tổng công suất chế biến sữa là 1,8 triệu tấn. Và vùng nguyên liệu sẽ không chỉ là “vài chục ngàn hec-ta” như khi bà Thái Hương “xin” Tổng thống Putin, mà sẽ là 140.000 ha…

Bức thư mà bà Thái Hương mạo muội và dũng cảm gửi Tổng thống Putin năm đó, thật kỳ diệu, đã giúp giấc mơ Nga của TH trở thành sự thật.

Trong sự phát triển của TH, vô cùng thú vị là có dấu ấn của hai vị Tổng thống.

Tổng thống Israel Shimon Peres đã có lần tới thăm văn phòng TH ở Hà Nội. Bắt tay nữ doanh nhân bé nhỏ Thái Hương, Tổng thống nói rằng: “Tôi cảm thấy từ bàn tay bà toát ra một nguồn năng lượng mạnh mẽ”.

Trong cuộc gặp đó, Tổng thống Shimon Peres đã phá vỡ mọi nguyên tắc về thời gian ngặt nghèo của một nguyên thủ, phá vỡ cả quy định về an ninh sức khỏe. Tổng thống đã trò chuyện với bà Thái Hương tới 55 phút, thay vì 45 phút như kế hoạch ban đầu. Ông cũng điềm nhiên uống hộp sữa TH tươi sạch không một chút ngại ngần…

Tuyệt vời hơn nữa, khi mà sau cuộc gặp đó, Chính phủ Israel đã cho bà Thái Hương vay 100 triệu USD với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô trang trại TH; và còn hỗ trợ miễn phí  nhân viên chuyển giao công nghệ…

Mối duyên lành với hai vị Tổng thống đã góp phần quan trọng giúp giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao của bà Thái Hương cất cánh.

Viết tiếp những giấc mơ

Chưa bao giờ và có lẽ là không bao giờ dừng lại. Lúc nào trong tim bà cũng ăm ắp những kế hoạch, ăm ắp những giấc mơ, những khát khao làm sao chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng, làm sao đưa thương hiệu Việt nổi danh toàn cầu.

Ban đầu chỉ làm sữa, sau bà mở rộng ra làm dược liệu, làm dăm gỗ, làm nước tinh khiết, làm TH true MALL… Rồi mở trường học, xây trung tâm chăm sóc sức khỏe công nghệ cao. Ban đầu, chỉ làm ở Nghĩa Đàn, sau mở rộng ra khắp các địa phương trong cả nước, rồi quyết tâm sang Nga, và sắp tới sẽ là Australia. Chiến lược của bà là đưa thương hiệu sữa Việt sang Nga, sang khắp vùng châu Á – Thái Bình Dương, sang cả thị trường khó tính Trung Quốc…

Trong bức thư mà bà Thái Hương đã gửi Tổng thống Putin, bà đã trích dẫn câu ngạn ngữ của Nga rằng: “Một đầu bếp giỏi thì tốt bằng bảy bác sĩ” và cam kết “TH sẽ trở thành một trong những đầu bếp giỏi và tử tế, một đơn vị sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu cho hàng triệu người Nga và người tiêu dùng thế giới”.

Khi người Việt không ngừng mơ ước và luôn nghĩ lớn, làm lớn, họ sẽ còn làm được nhiều điều vĩ đại và tuyệt diệu hơn nữa!

Theo Hà Nguyễn/baodautu.vn

Print Friendly, PDF & Email