Đó là ông Trần Mạnh Báo- Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (tỉnh Thái Bình); bà Thái Hương- Chủ tịch Hội đồng chiến lược- Tập đoàn TH (tỉnh Nghệ An); bà Phạm Thị Huân- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân (TP. Hồ Chí Minh). Anh hùng Lao động là danh hiệu cao nhất của Nhà nước…
Theo thông tin từ Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/12/2020 tới đây tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).
Dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có 2.300 đại biểu, trong đó đại biểu là cá nhân và đại diện tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động qua các thời kỳ là 118 đại biểu, trong đó, có 83 đại biểu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, danh hiệu Anh hùng Lao động từ năm 2016 đến nay.
Trong số 18 cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2016-2020) có 3 doanh nhân là sếp của 3 doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao sẽ được vinh danh, trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Đó là ông Trần Mạnh Báo-Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (tỉnh Thái Bình); bà Thái Hương- Chủ tịch Hội đồng chiến lược- Tập đoàn TH (tỉnh Nghệ An); bà Phạm Thị Huân- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân (TP. Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, có 37 tập thể cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, giai đoạn 2016-2020.
Ngoài danh hiệu Anh hùng Lao động, phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020, Nhà nước cũng phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho 24 tập thể và 4 cá nhân.
Ông Trần Mạnh Báo từng 2 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của các Bộ NNPTNT; Bộ KHCN; Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam; Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2008, 2010)…
Ông Trần Mạnh Báo cũng là Chiến sĩ Thi đua toàn quốc và nhận nhiều Kỷ niệm chương, giải thưởng lớn như Giải thưởng Thánh Gióng – Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu; Giải thưởng Doanh nhân làm theo lời Bác; Giải thưởng Người lính và hội nhập; Danh hiệu nhà quản lý giỏi; Giải Nhất Hội thi sáng tạo tỉnh Thái Bình; Bằng Lao động Sáng tạo cùng nhiều giải thưởng cao quý khác…
Dưới sự quản lý của ông, ThaiBinh Seed đã xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình với thương hiệu gạo Niêu Vàng, A Sào…Đơn vị này cũng đã nghiên cứu chọn tạo thành công và được công nhận 9 giống cây trồng mới. Đặc biệt lần đầu tiên nghiên cứu thành công giống ngô lai TBM18; chuyển gen kháng bệnh đạo ôn vào giống lúa BC15, mua bản quyền nhiều giống cây trồng mới là OM9582,TBR97,GL25, BT7 KBL, lúa lai TBH686…
Với bà Thái Hương, với tư duy lãnh đạo mới, bà đã đưa Tập đoàn TH lên bản đồ sữa thế giới với với nhiều điểm nhấn về đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa: Bò sữa được đeo chip và quản lý bằng phần mềm máy tính (quản lý động dục, cảnh báo và phát hiện bệnh viêm vú trước 4 ngày, phân loại bò, sinh sản, năng suất và chất lượng sữa…
Từ thành công của Dự án sữa TH, bà Thái Hương đã đầu tư dự án bò sữa tại Nga, trồng dược liệu chế biến thức uống cao cấp (TH herbals) bán tại Mỹ, tạo ra thương hiệu rau củ quả sạch FVF, lập trường quốc tế TH School.
TH hiện có mức tăng trưởng khoảng 12%/năm, thành công vang dội tại Việt Nam, sở hữu đàn bò sữa quy mô 45.000 con, được xác nhận Kỷ lục Trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao quy mô lớn nhất Châu Á và đạt được nhiều thành công nhất định, góp phần thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam.
Một con số thống kế vào tháng 10/2017 cho thấy, Tập đoàn TH có doanh thu đạt 215 triệu USD và lợi nhuận là 45 triệu USD.
Mới đây, tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, bà Thái Hương vinh dự là doanh nhân được lựa chọn để chia sẻ những kinh nghiệm thành công và khát vọng vì cộng đồng của Tập đoàn TH.
Tại Diễn đàn tri thức thế giới (World Knowledge Forum 2019) diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc), bà Thái Hương đã được tôn vinh với giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực.
Còn bà Phạm Thị Huân hay còn gọi là Ba Huân được nhiều người ngưỡng mộ gọi là “nữ hoàng hột vịt”.
Bà Ba Huân sinh ra trong một ra đình nông dân ở tỉnh Long An. Từ một người tập tành bán trứng gia cầm, bà đã thành lập cơ sở thu mua và phân phối trứng và năm 2000 chuyển lên thành lập doanh nghiệp.
Năm 2001, doanh nghiệp bắt đầu chuyên nghiệp hóa việc kinh doanh sản phẩm gia cầm. Doanh nghiệp Ba Huân ra đời và dần trở thành cái tên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước và thị trường Hồng Kông, Malaysia và Singapore.
Để thành lập nên thương hiệu trứng gia cầm Ba Huân nổi tiếng, bà Phạm Thị Huân đã có những bước đi rất quyết đoán và đạt được nhiều thành tựu. Bà không chỉ làm thay đổi cuộc sống của cá nhân, gia đình mà còn có những đóng góp làm thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp và chăn nuôi gia cầm…
Doanh nghiệp Ba Huân hiện cũng đã đầu tư xây dựng các nhà máy trứng gia cầm ứng dụng công nghệ cao ở một số tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, danh hiệu Anh hùng Lao động 5 năm xét một lần, trừ trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.
Theo Nguyên Khôi/Báo Dân Việt