Áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất giúp doanh nghiệp tạo dựng uy tín

Việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến chính là “chiếc vé” đầu tiên giúp mang lại niềm tin cho khách hàng và tạo dựng uy tín, tiếng nói riêng cho doanh nghiệp.

Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam luôn là vấn đề rất được chú trọng trong quá trình ban hành chính sách thúc đẩy phát triển nền kinh tế nước ta. Đặc biệt, trong giai đoạn chiến lược 2011-2020, Việt Nam bước vào một nấc thang phát triển mới, khi đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp (theo thang tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới), nâng cao năng suất, chất lượng trở thành trọng tâm của chính sách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Trong bối cảnh đó, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” có ý nghĩa quan trọng và được đặt kỳ vọng rất lớn.

Áp dụng hệ thống quản lý, công vụ cải tiến năng suất giúp doanh nghiệp tạo dựng uy tín. Ảnh minh họa.

Theo TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đến nay, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng những hệ thống quản lý doanh nghiệp chuẩn mực, hiện đại trên thế giới như ISO, LEAN, 5S… Từ đó giúp cải thiện hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, giúp doanh nghiệp đạt được các chuẩn mực quản lý doanh nghiệp trên thế giới, hòa vào sân chơi chung trên thị trường quốc tế.

Là một doanh nghiệp điển hình tiếp cận hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến, ông Nguyễn Mạnh Đức, Giám đốc điều hành sản xuất Công ty CP nhựa Thái Bình Dương cho biết: Ban đầu, khi doanh nghiệp mới thành lập chỉ có một số lượng ít các công nhân, việc giám sát quy trình sản xuất được sát sao, thường xuyên. Tuy nhiên, đến khi số lượng nhân công ngày càng nhiều hơn, chúng tôi thấy cần thiết phải có một hệ thống nào đó để giữ ổn định chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, để các công nhân viên trong công ty cùng thực hiện. Đó chính là lý do chúng tôi chọn áp dụng các hệ thống, công cụ cải tiến như ISO 9001, mô hình 5S.

Việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến chính là “chiếc vé” đầu tiên giúp mang lại niềm tin cho khách hàng và tạo dựng uy tín, tiếng nói riêng cho doanh nghiệp.

Mặc dù việc triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất ở rất nhiều doanh nghiệp đem lại hiệu quả rõ rêt, thế nhưng giới chuyên gia đánh giá vẫn còn những vướng mắc, khó khăn doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện các hoạt động trên. Cụ thể, bà Vũ Hồng Dân – Chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) phân tích: Cản trở trước tiên là sức ì tâm lý, kể cả lãnh đạo. Nghĩa là, dù người đứng đầu muốn thay đổi nhưng đôi khi vẫn theo phản xạ với guồng cũ.

Thứ hai, hệ thống quản lý cũng phải có hàng chục hệ thống quản lý khác nhau, doanh nghiệp thường cảm thấy bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, không biết lựa chọn như thế nào. Bởi vậy, việc quan trọng là doanh nghiệp phải chọn đúng và làm có lộ trình, không phải cái gì chúng ta cũng chọn bởi nó sẽ giống như các món ăn, cái gì cũng cho vào thì thành như lẩu thập cẩm.

Bên cạnh đó, TS. Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự chủ động, có chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng thương hiệu. Đồng thời cần sớm xóa bỏ tư duy kinh doanh luộm thuộm, ngắn hạn và thay bằng tư duy chuyên nghiệp, nâng cao quản trị doanh nghiệp, giữ vững uy tín trong sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã và đang kí kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ví như “con đường cao tốc hướng Tây” mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, đem sản phẩm chất lượng chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.

Hiện, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

Theo Lê Thanh Tùng/VietQ.vn