Từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ buộc phải dừng thực hiện và từ đầu năm 2021 cả nước sẽ dừng triển khai các dự án mới áp dụng hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao.
“Đũa thần” đã quá nhiều bất cập
Bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ những năm 1990, các dự án đầu tư theo hình thức BT với cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” từng được xem là sáng kiến của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau đó được ví von như là “chiếc đũa thần” để phát triển các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đồng thời tạo cơ hội cho các DN địa ốc mở rộng quỹ đất.
Tuy nhiên, hơn hai thập kỷ triển khai rộng khắp tại các địa phương hình thức đầu tư này đã bộc lộ nhiều lỗ hổng và bất cập. Ngoài một số ít dự án được đánh giá thành công thì số lượng các dự án có sai phạm, trục lợi chính sách dẫn tới thất thoát nguồn lực, tài sản của Nhà nước cũng đã phổ biến.
Tổng hợp báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thực hiện năm 2019 tại 28 dự án BT ở các địa phương cho thấy, đã có khoảng trên 5.058 tỷ đồng bị sử dụng sai so với các quy định của pháp luật. Sau kiểm toán, ngân sách Nhà nước đã giảm chi trên 1.260 tỷ đồng, tăng thu hơn 112,4 tỷ đồng, xử lý sai phạm khác trên 1.316 tỷ đồng và thu hồi nộp ngân sách Nhà nước đối với phần thanh toán vượt trị giá dự án 355,5 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, những sai phạm tại dự án BT chủ yếu phát sinh là do cơ chế chỉ định thầu, thậm chí là chỉ định nhà đầu tư. Nhiều dự án do nhà đầu tư chủ động đề xuất đưa vào danh mục chuyển đổi từ hình thức đầu tư sử dụng vốn ngân sách sang hình thức hợp tác công – tư (PPP). Quy trình lấy ý kiến các bộ, ngành và thẩm định không được thực hiện nghiêm túc nên bỏ lọt rất nhiều quy định, dẫn tới sai phạm.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, giai đoạn trước 2015 hầu hết các sai phạm ở dự án BT do sự chưa nghiêm túc của các cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận, thẩm định tính phù hợp, hiệu quả đầu tư của dự án BT do nhà đầu tư đề xuất. Tổng mức đầu tư của các công trình BT thường quá cao so với giá thị trường, đồng thời giá trị quỹ đất đối ứng để thanh toán cho dự án BT không được đấu giá cạnh tranh, nên không đúng với giá trị thực tế.
Việc hợp tác khi lấy ý kiến hoàn thiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (Luật PPP), Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng cho rằng, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã “khai tử” cơ chế đổi đất lấy hạ tầng. Đại diện Cục Quản lý đấu thầu còn cho rằng hình thức BT không nên đặt trong Luật PPP, bởi việc hợp tác công – tư cần phải có sự hợp tác dài hạn giữa Nhà nước và tư nhân. Trong khi đó, từ trước đến nay, các dự án đầu tư theo hình thức BT tại Việt Nam sau khi nhà đầu tư làm xong, chuyển giao cho Nhà nước và nhận lại phần đất, tài sản đối ứng thì không còn nhiều trách nhiệm với công trình mình đã xây dựng.
Đồng thuận ngừng để xem lại
Những bất cập hiện tại của hình thức đầu tư BT, Quốc hội mới đây đã thông qua Luật PPP và thống nhất thể chế hóa chủ trương dừng thực hiện các dự án đổi đất lấy hạ tầng. Cụ thể, từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ buộc phải dừng thực hiện và từ đầu năm 2021 cả nước sẽ dừng triển khai các dự án mới áp dụng hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao.
Đồng thuận với chủ trương này, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc xử lý chuyển tiếp các dự án BT theo Khoản 5, Khoản 6 Điều 101 Luật PPP là “rất phù hợp với thực tiễn và có lý có tình”.
HoREA đồng ý với việc cơ chế thực hiện hình thức đầu tư BT thời gian qua có nhiều bất cập thực thi pháp luật còn lỏng lẻo. Có những nhà đầu tư dự án BT thậm chí đã hưởng lợi không chính đáng ở cả đầu xây dựng và đầu chuyển giao. Tuy nhiên, xét ở phía những dự án đầu tư BT đầu tư có hiệu quả thì lợi ích mà hình thức đầu tư này đóng góp trong việc huy động vốn xã hội hóa phát triển hạ tầng cũng đáng kể. Đơn cử tại TP.HCM trong giai đoạn 2015-2017 các dự án BT đã huy động được trên 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư các công trình hạ tầng, cầu, đường, môi trường nước và nhà ở tái định cư…
Theo HoREA, để tạo điều kiện hỗ trợ các dự án BT đang triển khai dang dở hoặc đã hoàn thành phần xây dựng nhưng vẫn chưa thanh toán phần đối ứng có thể tiếp tục mà không bị ảnh hưởng, chậm tiến độ; Chính phủ và các bộ, ngành cần nhanh chóng hướng dẫn cụ thể các quy định Luật PPP. Đặc biệt là Khoản 5c Điều 101 để các dự án BT đã được ký kết trong năm 2020 trở về trước được tiếp tục thực hiện. Song song đó, HoREA kiến nghị việc dừng triển khai các dự án BT nên được Quốc hội và Chính phủ xem xét giới hạn trong khoảng năm 2020-2022, để có đủ thời gian hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho loại hình đầu tư này. Nhất là tích hợp và thống nhất các quy định giữa Luật PPP với các luật liên quan như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu và Luật Đấu giá tài sản.
Phân loại dự án để tiếp tục triển khai
Đầu tháng 8/2020 UBND TP.HCM đã tiến hành rà soát các dự án PPP (bao gồm các dự án BT) đang được triển khai trên địa bàn. Theo đó, hiện TP.HCM đang triển khai 22 dự án đầu tư theo phương thức PPP, với tổng vốn đầu tư 64.244 tỷ đồng; đang thực hiện các thủ tục đầu tư 166 dự án PPP với tổng vốn đầu tư 324.770 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 293 dự án PPP với tổng vốn đầu tư 910.426 tỷ đồng.
Riêng đối với nhóm các dự án BT, UBND TP.HCM hiện nay đã chia thành 3 nhóm, bao gồm: nhóm đang trong giai đoạn về đích, nhóm đã ký hợp đồng và triển khai dang dở và nhóm đang có ý tưởng đầu tư. Đối với nhóm đầu UBND TP.HCM cho phép tiếp tục tiến hành theo hợp đồng. Đối với nhóm thứ 2, TP.HCM đề nghị tiếp tục thực hiện theo Nghị định 63/2018 nhưng thanh toán theo Nghị định 69/2019 của Chính phủ, riêng nhóm thứ 3 UBND TP.HCM đề xuất tạm ngưng.
Theo Thạch Bình/Thời báo Ngân hàng