Nỗ lực tăng điểm trong phiên hôm nay (6/8) của VN-Index gặp thách thức bởi áp lực chốt lời gia tăng. Đây là diễn biến dễ hiểu khi danh mục của nhà đầu tư mang lại mức sinh lời tốt sau 3 phiên gần nhất.
Vận động đi lên trong phiên chiều của VNM, SAB giúp chỉ số ghi nhận mức cao nhất trong ngày quanh 844,16 điểm (+0,76%), tuy nhiên biên độ này thu hẹp dần vào cuối ngày khi cung được đẩy mạnh tại vùng giá cao. VN-Index đóng cửa tại 840,04 điểm (+0,27%).
VNM và SAB nối dài chuỗi phiên tăng giá, trở thành các cổ phiếu nâng đỡ nhiều nhất cho VN-Index cũng như VN30 Index. Chỉ số đại diện cho nhóm Largecap tăng 0,11% lên 781,6 điểm, tuy nhiên trạng thái của rổ VN30 tương đối cân bằng với 13 cổ phiếu tăng giá so với 14 mã giảm giá.
Cùng chung diễn biến với VN30 Index là VN Smallcap Index khi chỉ số này tăng 0,33%, trở thành chỉ số có vận động tốt nhất trong 3 nhóm vốn hóa. Quan sát kỹ hơn trong rổ Smallcap, các cổ phiếu hỗ trợ tốt nhất cho rổ chỉ số này bao gồm SVC (tăng trần), SZC (+3,7%), GIL (+ 6,7%), VSC (+1,56%)… VN Midcap Index giảm nhẹ -0,14%, mặc dù vậy một số đại diện của nhóm vốn hóa trung bình vẫn tăng giá mạnh như KDC (+ 5,2%), HAG (+4,6%), BMI (+5,8%)…
Quan sát theo từng lĩnh vực, trong khi phần lớn các nhóm ngành đều chứng kiến vận động phân hóa của các cổ phiếu thành phần thì nhóm Dầu khí diễn biến khả quan hơn mặt bằng chung khi đồng thuận tăng giá. PVD tăng 4,1%, BSR tăng 3,1% trong khi GAS, PVS, PVB đều đóng cửa trên tham chiếu. Giá dầu Brent tăng hơn 2% trong ngày gần nhất giải thích cho diễn biến nêu trên.
Trên HoSE, khối lượng giao dịch giảm -16,8% về 246,3 triệu đơn vị trong khi giá trị giao dich giảm -22,8% về hơn 4,1 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại giảm giá trị giao dịch -30,5% trong phiên hôm nay tuy nhiên nhóm này vẫn duy trì trạng thái mua ròng trên HoSE với quy mô 12,8 tỷ đồng. Với riêng nhóm VN30, giá trị mua ròng đạt 32,8 tỷ đồng. VNM dẫn đầu nhóm mua ròng trên HoSE với 4,1 tỷ đồng .
Trên sàn Hà Nội, sắc đỏ chiếm ưu thế, HNX-Index kết phiên giảm -0,59%. Trong khi đó, UPCoM-Index vẫn duy trì sắc xanh lúc đóng cửa, tăng 0,11%.
Các chuyên gia chứng khoán cho biết, chứng khoán châu Á phân hóa mạnh trong phiên giao dịch hôm nay khi căng thẳng Mỹ – Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dưới ảnh hưởng của thị trường chứng khoán khu vực, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước gia tăng khiến VN-Index giao dịch khá giằng co trong phiên sáng. Dù vậy, đà tăng ở một số cổ phiếu trụ cột đã giúp VN-Index tăng điểm trở lại và đóng cửa tăng hơn 2 điểm.
Về kỹ thuật, đại diện Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, các chỉ báo xu thế như MACD, RSI, ROC… đều cho thấy sự hình thành xu thế hồi phục trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đồ thị chỉ số VN-Index trong phiên hôm nay xuất hiện hình thái nến con quay cho thấy tâm lý thận trọng đang gia tăng trên thị trường. Điều này có thể khiến thị trường chịu áp lực bán gia tăng khi tiến gần mốc 850 điểm. Chỉ số có thể hình thành nhịp tích lũy ngắn trong biên độ 840-845 điểm, trước khi tiếp tục quá trình tăng điểm ngắn hạn. Nhà đầu tư hạn chế mua đuổi trong các nhịp tăng của thị trường, chỉ nên gia tăng một phần tỷ trọng cổ phiếu khi xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong phiên.
Đại diện Công ty CP Chứng khoán BSC cho biết, VN-Index giằng co khi có áp lực bán chốt lời cao ở đầu phiên và cuối phiên, nhưng chỉ số vẫn đóng cửa chớm vượt trên ngưỡng 840 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Dòng tiền đầu tư suy yếu khi chỉ có 11/19 nhóm ngành tăng điểm trong phiên. Dòng tiền khối ngoại có phần suy giảm với hoạt động mua ròng nhẹ trên sàn HSX và bán ròng nhẹ tại sàn HNX.
Thanh khoản thị trường giảm so với các phiên trước đó, độ rộng thị trường ở trạng thái tiêu cực, điều đó cho thấy các nhà giao dịch đang có tâm lý nghi ngờ về khả năng tiếp tục tăng điểm của chỉ số. Với tâm lý thị trường bấp bênh và dòng tiền suy giảm, dự kiến trong phiên cuối tuần chỉ số VN-Index có thể tiếp tục dao động trong biên độ hẹp, và vẫn có khả năng kiểm tra lại ngưỡng 825 điểm.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Chứng khoán MBS cho rằng, thị trường đã tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp do vậy áp lực chốt lời đối với lượng hàng T+ luôn diễn ra, phiên này đã là phiên thứ 2 liên tiếp thị trường chịu áp lực bán ngay từ khi mở cửa và nhịp rung lắc cũng qua nhanh nhờ dòng tiền vẫn tiếp tục được giữ ở mức cao, đấy là tín hiệu của thị trường khỏe.
Về kỹ thuật, sau khi xác nhận mô hình đảo chiều, các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của thị trường lúc này, thị trường tiếp tục hướng tới ngưỡng cản MA50 ở 854,5 điểm. Nhà đầu tư trung hạn và dài hạn được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục và có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong phiên để tích lũy thêm cổ phiếu cơ bản tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực trong cả năm sau khi dịch bệnh qua đi.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng