Categories Doanh nghiệp

Vẫn khó “dự báo” tình hình lao động những tháng cuối năm vì… Covid-19

Do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến cho nguồn cung nguyên liệu, phụ tùng sản xuất bị gián đoạn…, theo dự báo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian tới, nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh chậm phục hồi thì tình hình lao động, việc làm tiếp tục sẽ tiếp tục có nhiều biến động mạnh…

Một dây chuyền sản xuất tôm tại Fimex VN.
Một dây chuyền sản xuất tôm tại Fimex VN.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6/2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước chỉ đạt 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý I, và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay.

30,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng do Covid-19

Trong tổng số 53,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước, lượng người có việc làm cũng chỉ đạt 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý I và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ 2019.  Đáng chú ý, trong số này, có tới 30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ/giãn/luân phiên việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), cho hay, mức giảm việc làm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy, dịch Covid-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc làm phải tạm rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch lây lan, đặc biệt là trong tháng 4. Cụ thể, số ngành có lao động giảm mạnh là công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 324,6 nghìn người); dịch vụ lưu trú, ăn uống (giảm 122,7 nghìn người); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (giảm 120 nghìn người)…

Về tình hình việc làm, trong quý II/2020, có 1,4 triệu người thiếu việc làm, tăng 292 nghìn người so với quý I/2020 và tăng 648,4 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,97%, tăng 0,76 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2019.

“Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi thuộc nhóm nghề bậc thấp là cao nhất với 4,73%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ 2019; tiếp theo là nhóm nghề bậc trung, có tỷ lệ 2,59%, cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019”, bà Thủy diễn giải.

Tại TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 39,44% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng; 22,89% doanh nghiệp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; 18,31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm vật tư, nguyên liệu sản xuất và số còn lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…

Với những tác động này đến thị trường lao động, Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP.HCM (FALMI) đưa ra 2 kịch bản về thị trường lao động.

Kịch bản thứ nhất: Dự báo tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế – xã hội. Khi đó, các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ với các ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; khu vực công nghiệp – xây dựng gồm các ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất, chế biến, xây dựng… Dự báo, nhu cầu nhân lực trong 6 tháng cuối năm 2020 của TP.HCM sẽ duy trì ở nhu cầu khoảng 105.000 – 115.000 chỗ làm việc.

Kịch bản thứ hai: Khi tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế – xã hội. Lúc đó, một số ngành thuộc khu vực dịch vụ, công nghiệp vẫn sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động xuất – nhập khẩu còn bị gián đoạn bởi diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn nhiều phức tạp. Do đó, dự báo nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2020 của TP.HCM sẽ có tín hiệu khả quan hơn, duy trì ở mức nhu cầu khoảng 115.000 – 135.000 chỗ làm việc.

Về lượng người thất nghiệp, chỉ riêng trong quý II/2020 đã có gần 13 triệu người thất nghiệp, tăng 192 nghìn người so với quý trước và tăng 221 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,46%, cao nhất trong 10 năm qua tại khu vực này; thất nghiệp ở khu vực nông thôn 1,77%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ước tính khoảng 7% (khu vực thành thị là 10,45%; khu vực nông thôn 5,5%). Ngoài ra, phân theo trình độ thì nhóm lao động trình độ chuyên môn thấp hoặc không có trình độ tỷ lệ thất nghiệp đều tăng so với quý I và cùng kỳ 2019…

Theo một số chuyên gia kinh tế, dự báo thất nghiệp thật sự vẫn có thể tăng mạnh vào cuối quý III, đầu quý IV. Đó là do khả năng thiếu nguyên phụ liệu, hàng hóa không xuất khẩu được dẫn đến nguy cơ lao động phải ngừng việc quy mô lớn, nhất là một số khu vực sản xuất giày da, dệt may… Bởi quý II mới là thử thách bắt đầu, chủ yếu do “đứt gãy” chuỗi cung ứng nguyên vật liệu nên người lao động mới chỉ ngừng việc tạm thời.

dn-nong-nghiep-2

“Chính phủ cần nhanh chóng nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ. Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn vay tới tháng 12 để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, từ đó bảo đảm cho đà phục hồi của thị trường lao động”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh.

Vẫn khó dự báo tình hình lao động, việc làm của quý III và hết năm 2020

Đến nay, Việt Nam đã đạt những thành công trong khống chế dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế cũng đang được khởi động lại; tốc độ tăng GDP thấp kỷ lục trong quý II, nhưng là mức tăng trưởng dương mà nhiều nước không đạt được. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay, để đưa ra một dự báo về tình hình lao động, việc làm của quý III và hết năm 2020 trong thời điểm này là không thể chắc chắn, chính xác.

“Do hiện nay, Việt Nam đang có độ mở về kinh tế rất lớn, trong khi dịch đang diễn biến phức tạp trên thế giới; nguồn cung nguyên liệu, phụ tùng sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm quy mô, thậm chí dừng hoạt động… nên sẽ rất khó để đưa ra một dự báo chắc chắn”, ông Vinh chia sẻ.

Đồng quan điểm, theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Covid – 19 và thế giới việc làm, đã đưa ra cảnh báo: Tổn thất số giờ làm việc trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2020 tồi tệ hơn nhiều so với dự báo. Trong khi đó, khả năng phục hồi 6 tháng cuối năm hầu như không chắc chắn, không đủ để trở lại mức trước đại dịch, ngay cả với kịch bản tích cực nhất. Có thể nói, thế giới vẫn đứng trước nguy cơ tiếp tục chứng kiến tổn thất việc làm trên quy mô lớn.

Dù vậy, bà Valentina Barcucci, chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO Việt Nam, thì nhấn mạnh rằng, mặc dù thị trường lao động giảm sâu tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên, trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng ngừa vào đầu quý II/2020 đã nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của virus, từ đó giảm thiểu tác động tới thị trường nội địa, giúp tình hình tại Việt Nam tốt hơn so với những gì các quốc gia khác phải trải qua. Vì thế, Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn hầu hết các nước khác để vượt qua những thách thức về kinh tế và thị trường lao động.

“Việt Nam cần tiếp tục kiên định với các biện pháp kích thích nền kinh tế và việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập bảo vệ người lao động tại nơi làm việc và sử dụng đối thoại làm công cụ để chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động có thể tìm ra được giải pháp xử lý vấn đề. Tất nhiên, điều này cần sự nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, từ người sử dụng lao động vả cả chính bản thân người lao động, trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang để lại những tác động tiêu cực tới lực lượng lao động Việt Nam”, bà Valentina Barcucci, nói thêm.

Theo Bá Lâm/Chất lượng&cuộc sống