Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) cho biết, tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan này cùng các lực lượng chức năng đã khởi tố và đề nghị khởi tố 50 vụ việc về hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Theo đó, kiến nghị thu hồi hàng trăm giấy chứng nhận xuất xứ C/O không đủ tiêu chuẩn.
Các chuyên gia cảnh báo đã đến lúc cần xử phạt thật mạnh tay với các doanh nghiệp gian lận xuất xứ. Việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cũng phải gắn với kiểm tra thực tế sản xuất của doanh nghiệp để tránh cấp nhầm, cấp không chính xác.
Qua khảo sát, Bộ Công Thương đã đưa ra danh sách tới 25 mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ, trong đó có nhiều mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam. Bộ cũng chỉ rõ phương thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ phổ biến là sản xuất tại nước ngoài, khi nhập khẩu (NK) về Việt Nam ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang website, trung tâm bảo hành tại Việt Nam. Hoặc hàng hóa NK từ nước ngoài, dán nhãn, ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì, sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa bị bóc nhãn và thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”.
Cũng có trường hợp, doanh nghiệp thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác gia công, lắp ráp… không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, nhưng vẫn ghi “sản xuất tại Việt Nam” hay “xuất xứ Việt Nam” để tiêu thụ thị trường trong nước, đánh lừa người tiêu dùng.
Đặc biệt, nhiều thương nhân nước ngoài lợi dụng doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển quá cảnh; tạm nhập tái xuất để trung chuyển hàng hóa, sau đó thương nhân nước ngoài làm giả C/O Việt Nam để gian lận xuất xứ hàng hóa.
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan này cùng các lực lượng chức năng đã khởi tố và đề nghị khởi tố 50 vụ việc về hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa, chủ yếu liên quan đến nhóm hàng như: xe đạp, tơ tằm, thủy sản, đồ gỗ nội thất…, từ đó kiến nghị thu hồi hàng trăm giấy chứng nhận xuất xứ C/O không đủ tiêu chuẩn. Chiêu trò của các doanh nghiệp là chủ yếu thu mua nguyên liệu, linh kiện nhiều nơi, sau đó hợp thức hóa giấy tờ để lấy xuất xứ Việt Nam.
Điều đáng bàn là các doanh nghiệp này vẫn được cấp C/O thật. Việc cấp C/O “Made in Việt Nam” khi hàng hóa chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định rất dễ dẫn đến nguy cơ hàng hóa bị “đội lốt” xuất xứ, có thể bị trừng phạt bằng các biện pháp tự vệ của nước nhập khẩu, ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất.
Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp tục phát hiện một công ty sản xuất gỗ ở tỉnh Bắc Giang có dấu hiệu gian dối để được cấp C/O made in Vietnam.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, 2 năm gần đây, doanh nghiệp này đã xuất khẩu gần 24.000 m3 gỗ dán đi Hoa Kỳ, trị giá hơn 200 tỷ đồng. Số gỗ này đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp C/O cho 22 lô hàng xuất khẩu. Trong hồ sơ, doanh nghiệp khai báo nguyên liệu sản xuất ván ép được thu mua từ các hộ dân và có hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, qua công tác điều tra và xác minh, Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện các hợp đồng mua bán trên là không có thật và có sự tiếp tay của cán bộ chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, đáng lo ngại về tình trạng xuất hiện C/O giả để cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu chứng nhận. “Chúng tôi vừa phát hiện vụ việc cơ quan tổ chức không có thẩm quyền nhưng đã cấp 280 C/O cho 30 doanh nghiệp xuất khẩu trong nửa đầu năm. Hải quan đề nghị Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là 2 đơn vị có thẩm quyền cấp C/O, thu hồi các chứng nhận này. Tới đây, vụ việc sẽ bị khởi tố”, ông Cẩn nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của các Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm (Ban 138) và Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả (Ban 389) ngày 23/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; “Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, báo cáo kết quả lên Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP, Ban chỉ đạo 389 quốc gia”.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án.
Bên cạnh đó, phải mở rộng việc giám sát hoạt động công vụ của công chức hải quan, quản lý thị trường bằng camera và quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, nhất là khi công chức hoạt động công vụ ở ngoài trụ sở, như: kiểm tra sau thông quan, kiểm tra thực tế hàng hóa…
Hiện nay, chưa có quy định rõ thế nào là hàng Việt Nam và tiêu chuẩn “Made in Vietnam”, nên cơ quan thực thi nhiệm vụ vẫn lúng túng trong xác định căn cứ pháp lý nhằm xử phạt. Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Công thương sớm có quy định chính thức thế nào là hàng “Made in Vietnam”, song theo Bộ Công thương phải đến tháng 6/2021 mới có thể “ra đời” quy định chính thức.
Theo Hà Thanh/Vietq.vn