Với tỷ lệ nợ công giảm tốt trong những năm qua, Chính phủ khẳng định dư địa chính sách tài khóa (CSTK) còn khá lớn cho thúc đẩy phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19, nhất là trong bối cảnh các gói hỗ trợ đưa ra vừa qua chưa thực sự giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn và quy mô hỗ trợ cũng còn nhỏ so với nhiều nước khác.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm cần tăng các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, cách thức hỗ trợ thế nào, như có nên mở ra các gói mới hay mở rộng quy mô, đối tượng của những gói đã có thì còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo ông Nguyễn Minh Cường – Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, xét cả về mặt thời điểm và quy mô, việc tăng liều lượng hỗ trợ là rất cần thiết. Bởi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đang kéo dài và phức tạp hơn dự báo trước đó nên dù Việt Nam đã khống chế và kiểm soát dịch tốt nhưng về mặt kinh tế, cần xác định rõ xem hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn khẩn cấp (Relief) hay đã ở giai đoạn phục hồi (Recover).
“Theo quan điểm của tôi, hiện nay chúng ta vẫn đang trong giai đoạn khẩn cấp chứ chưa phải giai đoạn phục hồi”, ông Cường nhận định và lý giải, một trong những cơ sở quan trọng để nhận định như vậy là tỷ lệ thất nghiệp và người lao động phải giảm giờ làm tăng mạnh, kéo theo thu nhập giảm.
Như theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tới cuối tháng 6, có 31 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” (như thất nghiệp, giảm thu nhập…) bởi Covid-19 và có thể còn tiếp tục gia tăng từ nay đến cuối năm. Chưa kể song hành với đó là số lượng các DN giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng, trong khi số DN thành lập mới giảm… cũng báo hiệu khó khăn không chỉ trong duy trì lực lượng lao động hiện tại mà còn ở khả năng tạo việc làm mới.
Theo vị chuyên gia của ADB, việc xác định đang ở giai đoạn nào rất quan trọng vì từ đó mới xác định được mức độ hỗ trợ, mục tiêu hỗ trợ sao cho phù hợp. Nếu xác định đang ở giai đoạn khẩn cấp thì việc hỗ trợ, quy mô hỗ trợ sẽ khác với giai đoạn phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, hỗ trợ của các chính sách cũng khác nhau tùy vào giai đoạn. Như ở giai đoạn khẩn cấp này, “gánh nặng” lớn hơn sẽ thuộc về nhóm CSTK trong khi ở giai đoạn phục hồi sẽ nghiêng hơn về chính sách tiền tệ, tín dụng. Việc xác định chúng ta đang ở giai đoạn nào cũng dẫn đến việc xác định mục tiêu cần đạt được và giải pháp đặt ra. Nếu ở giai đoạn phục hồi thì cần tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng, trong khi giai đoạn cứu trợ lại cần tập trung nhiều hơn vào mục tiêu giải quyết vấn đề thất nghiệp.
“Mặc dù tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm luôn ảnh hưởng chặt với nhau song lại có độ trễ nhất định, đặc biệt trong bối cảnh bất thường mà Covid-19 tạo ra. Theo tôi, lúc này chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc giữ được việc làm và khả năng tạo thêm việc làm mới, làm tốt được vấn đề này thì tất yếu sau đó sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tốt hơn”, ông Cường nhấn mạnh.
Từ góc nhìn này, ông Cường đồng tình với nhận định của Chính phủ khi cho rằng cần tăng quy mô hỗ trợ cho nền kinh tế, người dân và DN trong bối cảnh hiện nay. “Rõ ràng, chúng ta cần tăng về mặt quy mô, liều lượng, đối tượng của các gói hỗ trợ và cần giải ngân nhanh, linh hoạt, kéo dài thời gian hỗ trợ thì mới đạt mục tiêu đề ra”, ông Cường nói và khuyến nghị thêm: “Có thể cần thiết kế có một gói CSTK hỗ trợ toàn diện và mục đích đặt ra là phải hỗ trợ để giữ được việc làm, hỗ trợ được thu nhập, hỗ trợ được dòng tiền cho DN…”, gói này cần được thiết kế hết sức đồng bộ với các gói đã có vì thực tế mục đích và các yếu tố trong các gói đã gần giống nhau. Tuy nhiên, cần xem xét như bổ sung thêm về liều lượng hay những yếu tố mà các gói trước chưa có.
Đồng tình với quan điểm cần tăng quy mô các gói hỗ trợ, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tổng quy mô các gói hỗ trợ hiện có chỉ vào khoảng 3% GDP, là mức rất thấp so với mức trung bình khoảng 9-10%/GDP của các nước trong khu ASEAN. Chuyên gia này gợi ý, tổng giá trị các gói hỗ trợ ở mức khoảng 4-5% GDP là phù hợp. Tuy nhiên, không nên đưa các gói hỗ trợ mới mà trên cơ sở “cơi nới” các gói đã có, theo hướng tăng thêm quy mô, tăng đối tượng hỗ trợ, và rà soát, tháo gỡ ngay những gì mà thực tế triển khai các gói đang vướng mắc để thúc đẩy triển khai nhanh và hiệu quả hơn.
Cụ thể, một mặt cần khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc (như trong gói 16.000 tỷ đồng cho vay 0% để DN có thể trả lương), xem xét sớm quyết định cho phép gia hạn thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất (trước mắt là hết năm 2020) để DN đỡ khó khăn về thanh toán chi phí; sửa đổi Thông tư 01 của NHNN theo hướng gia hạn thời gian giãn, hoãn nợ (đến hết năm 2020) và mở rộng đối tượng được hỗ trợ (hết ngày 10/6/2020 thay vì 23/1/2020 như hiện nay).
Mặt khác, cần mở rộng đối tượng hỗ trợ gồm cả một số DN lớn như trong lĩnh vực hàng không, du lịch… như nhiều nước đang làm, với tiêu chí và điều kiện hỗ trợ cụ thể. Đồng thời, cần có cơ chế, phân quyền đặc thù cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ có thể ra quyết định nhanh chóng, kịp thời.
Theo Đỗ Lê/Thời báo Ngân hàng