Categories Doanh nghiệp

Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Người vui, người buồn!

Mấy tuần sau khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN, nhiều công ty có doanh thu, lợi nhuận hân hoan đón nhận thông tin củng cố thêm nguồn lực tài chính trong thời dịch bệnh.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, những DN có tổng doanh thu dưới 200 tỷ đồng sẽ được giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm 2020. Ông Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết, dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các DN từ đầu năm đến nay. Bởi vậy chính sách này như một “liều thuốc giảm đau” cho DN.

“Tôi cho rằng đây là một chính sách rất kịp thời mà Quốc hội, Chính phủ đưa ra trong giai đoạn này. Do hầu hết DN của Việt Nam là vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều đơn vị hưởng lợi từ chính sách giảm thuế”, ông Trung chia sẻ.

Với những DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, thông tin này cũng mang lại nhiều yếu tố tích cực. Từ đầu năm 2020, dịch bệnh đã khiến các DN trong lĩnh vực này bị tác động nặng nề do các đơn hàng bị hủy hoặc hoãn vô thời hạn, nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng chờ dịch bệnh qua đi.

Theo ông Phạm Văn Việt – Tổng giám đốc công ty Việt Thắng Jean, từ đầu năm 2020 các đơn hàng xuất khẩu của công ty bị hủy gần như toàn bộ. Để giảm chi phí, Việt Thắng Jean đã giảm số lượng công nhân từ 5.000 xuống khoảng 3.000. Không có đơn hàng thời trang để sản xuất, Việt Thắng Jean chuyển đổi sang hình thức sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mang lại doanh thu khiêm tốn, đủ để DN duy trì sản xuất, trả lương cho công nhân và thu lãi chút ít. Tương lai những tháng cuối năm như thế nào nên rất mong chính sách giảm thuế thu nhập DN của Chính phủ sớm triển khai giúp ích DN.

Tuy nhiên bên cạnh những DN có doanh thu, lợi nhuận, cũng có những DN không phát sinh doanh thu nên chính sách chưa thể bao phủ tới. Ông Nguyễn Hữu Phước – Giám đốc công ty TNHH MTV SX – TM Nguyên Nguyên Phước cho biết, từ đầu năm đến nay công ty đã thua lỗ hơn chục tỷ đồng. Một phần trả lương cho công nhân trong giai đoạn này, phần khác là chi phí thuê nhà xưởng, trong khi doanh thu thì không có do thiếu đơn hàng.

Ông Phước nói: “Với những DN siêu nhỏ việc tồn tại đến khi dịch bệnh qua đi đã là một điều vô cùng khó khăn, nói gì đến lợi nhuận. Đơn hàng không có thì làm gì có doanh thu và không có doanh thu thì có giảm bao nhiêu phần trăm thuế thu nhập DN lúc này công ty cũng không với tới”.

Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho biết chính sách giảm thuế thu nhập DN chưa tới được với nhiều DN dệt may, còn rất nhiều DN phải rất cố gắng tồn tại qua giai đoạn này.

Trao đổi với người viết, nhiều DN không có doanh thu kiến nghị nên có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% để kích thích tiêu dùng. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1, có gần 34.900 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước), gồm: 18.600 DN tạm thời đóng cửa, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; 12.200 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 20,6%; 4.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 0,02%).

TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế cho biết, chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN giúp cho các DN có lợi nhuận, những đơn vị làm ăn được, với các DN giải thể, phá sản thì chưa có hiệu quả. Chính phủ nên dành một nguồn lực tài chính nhất định ra cho vay tiêu dùng lãi suất thấp để kích thích tiêu dùng mới làm cho sức cầu trên thị trường lúc này giúp DN bán được hàng hóa dịch vụ.

Theo Hùng Trần/Thời báo Ngân hàng