Các chuyên gia cho rằng, nếu kiểm soát tốt, giá thịt lợn không có biến động lớn thì sẽ không kích lạm phát lên quá mức 4%.
Giá thịt lợn “làm khó” CPI
Nhìn lại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng đầu năm cho thấy, sau khi tháng 1 tăng theo quy luật hàng năm do trùng vào dịp lễ, tết, các tháng 2, 3, 4, 5, CPI đều giảm, đến tháng 6 CPI tăng 0,66%. Đây là mức tăng cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2016 – 2020. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Xuân Định, Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mặt bằng giá cả thị trường 6 tháng đầu năm 2020 có diễn biến tăng giảm đan xen, chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các yếu tố cung cầu thay đổi trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
“Giá xăng dầu trong nước có xu hướng tăng trở lại theo diễn biến của giá thế giới sau khi đã giảm sâu trong quý I. Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp, nhu cầu đối với mặt hàng gạo trên thế giới tăng nên đã tác động làm tăng giá gạo phục vụ xuất khẩu; đồng thời nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức cao. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu dùng điện, nước của người dân tăng cao làm tăng đơn giá bình quân theo mức tiêu thụ lũy tiến”, ông Định phân tích.
Đặc biệt, theo nhận định của đại diện Cục Quản lý giá, thời gian qua, giá thịt lợn đang “làm khó” cho CPI. Dẫn chứng là giá các mặt hàng thực phẩm tăng 14,28% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 3,23%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 68,2% (làm CPI chung tăng 2,86%).
Giá thịt lợn tăng cao chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung. Hiện nay, nguồn cung thịt lợn đang được bổ sung từ hoạt động chăn nuôi, tái đàn, nhập khẩu, dần đáp ứng trong thời điểm cuối quý III, đầu quý IV/2020. Trong các tháng tiếp theo, theo nhận định của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá, giá thịt lợn nhiều khả năng sẽ không có biến động lớn so với hiện nay và có thể xu hướng giảm dần trong quý IV/2020.
Còn theo ThS. Hoàng Thị Vân, Viện Kinh tế – Tài chính, Học viện Tài chính, mặc dù cả 3 giải pháp trước mắt và lâu dài như tái đàn, tăng nguồn thịt lợn đông lạnh và nhập lợn sống đều đang được triển khai mạnh mẽ nhưng tình hình giá thịt lợn chưa được cải thiện nhiều và dấu hiện giảm giá chưa rõ ràng. Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số tỉnh mặc dù đã công bố hết dịch nhưng sau đó dịch bệnh tái bùng phát trở lại do công tác kiểm soát dịch bệnh chưa chặt chẽ.
“Tại nhiều địa phương, do lo sợ về dịch bệnh nên nhiều hộ chăn nuôi không thực hiện tái đàn. Việc này khiến cho nguồn cung thịt lợn vào cuối năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng và giá lợn hơi sẽ khó giảm sâu trong nửa cuối năm nay. Trong thời gian ngắn, giá thịt lợn khó xuống thấp do phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và lượng thịt nhập khẩu”, ThS. Hoàng Thị Vân dự báo.
Tránh lạm phát kỳ vọng hay độ trễ của lạm phát
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, áp lực lạm phát là có nhưng có thể vượt qua, đặc biệt khi các cơ quan điều hành chính sách đều khá thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% là có thể đạt được.
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, công tác quản lý giá, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Để có thể chủ động điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát ở mục tiêu mà Quốc hội đặt ra, mà Chính phủ đã yêu cầu “kiên định”, thì yêu cầu đặt ra cho công tác điều hành giá là kết hợp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các biện pháp vĩ mô, tài khóa, tiền tệ và các công cụ vi mô, điều hành các mặt hàng cụ thể, nhất là xăng dầu, thịt lợn, các mặt hàng thiết yếu như y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm.
“Điều hành giá phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau. Đồng thời, định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính”, PGS. TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Còn theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng giá bình quân ở mức dưới 4% trong năm 2020 như chỉ tiêu của Quốc hội là một mục tiêu cực kỳ khó khăn. Và để làm điều đó, cần thực hiện tốt công tác chống dịch bệnh để Covid-19 không bùng phát trở lại – đây là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Đồng thời tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
“Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các DN và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”, PGS.Thịnh nêu ý kiến.
Việc kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra là có thể thực hiện được, tuy nhiên, năm nay công tác điều hành giá khó khăn hơn nhiều. Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế./.