Categories Doanh nghiệp

Kiên trì mục tiêu bảo vệ nguồn lao động của ngành dệt may

Dù chịu nhiều ảnh hưởng từ Covid-19, nhưng Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) kiên trì mục tiêu bảo vệ gần 160.000 người lao động.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm, tính đến tháng 6/2020, cả nước có hơn 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đang nỗ lực, kiên trì mục tiêu bảo vệ gần 160.000 người lao động.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 15 tỷ USD, giảm tới 13,4% so với cùng kỳ ngoái. Đây là lần đầu tiên kim ngạch dệt may trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam chứng kiến mức giảm mạnh.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã tích cực đàm phán với khách hàng cũng như duy trì vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Tập đoàn cũng áp dụng mọi biện pháp có tính hợp tác, chia sẻ giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng. Đội ngũ người lao động được duy trì để đảm bảo khi thị trường quay trở lại, doanh nghiệp có sẵn lực lượng để nhanh chóng phục hồi sản xuất, chiếm giữ thị trường và khách hàng.

tap doan det may viet nam kien tri muc tieu bao ve nguon lao dong hinh 1
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 15 tỷ USD, giảm tới 13,4% so với cùng kỳ ngoái.

Trong 6 tháng qua, với việc phản ứng nhanh nhạy, kịp thời và đưa ra các giải pháp sáng tạo, hiệu quả, tổng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Dệt May Việt Nam ước giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dự báo giảm tới hơn 30%; đa số các đơn vị thành viên vẫn tạo ra lợi nhuận, ngoại trừ các doanh nghiệp ngành Sợi do khó khăn kéo dài về thị trường và bị ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung nên vẫn có nhiều diễn biến bất lợi.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ, điều quan trọng và thành công lớn nhất trong 6 tháng qua, đó là toàn hệ thống Tập đoàn vẫn duy trì được việc làm cho 100% người lao động, dù thời gian làm việc và thu nhập có giảm.

“Chúng ta không ngại khám phá, không ngại sáng tạo, thực tế đã tổ chức sản xuất các mặt hàng mà chưa từng sản xuất như khẩu trang phòng dịch, khẩu trang y tế, quần áo y tế cho bác sỹ, cho bệnh nhân. Không chỉ phục vụ nhu cầu phòng dịch trong xã hội mà giảm bớt khó khăn do việc hoãn, hủy, dừng đơn hàng.

Thời điểm khó khăn cũng là thời điểm cần có sự sáng tạo, tiết kiệm chi phí, sản xuất tốt hơn, năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn. Kể cả giờ làm, số lượng công việc có thể ít đi. Chúng ta chia sẻ với nhau để tất cả cùng có việc làm, cùng được đi làm, cùng có thu nhập, giữ vững đội ngũ của mình” – ông Lê Tiến Trường nói.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đình trệ, Tổng công ty May 10 bị thiếu nguyên liệu từ cuối tháng 3.

Khi dịch được kiểm soát tại Trung Quốc, các công xưởng bắt đầu hoạt động trở lại thì đại dịch lại lan mạnh ở châu Âu và Mỹ khiến các đơn hàng bị đình trệ. Vào tháng 4/2020, Tổng công ty thiếu hụt 30% đơn hàng, còn tháng 5 và tháng 6/2020 bị thiếu hụt khoảng 60%. Để bảo đảm đời sống và việc làm cho cán bộ, công nhân viên, Tổng công ty May 10 đã chuyển sang chế độ làm việc luân phiên tại nhiều phân xưởng.

Ông Thân Đức Việt dự báo, những tháng cuối năm doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn, khi việc sản xuất khẩu trang và bộ bảo hộ y tế đã trở nên bão hòa, nhu cầu thị trường giảm, lượng đơn hàng may mặc truyền thống chưa phục hồi, nhưng đây cũng là thời điểm doanh nghiệp sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp, giữ chân người lao động.

“Tôi dự báo kịch bản từ tháng 9 đến hết Quý IV/2020 rất khó khăn. Có thể phải nghỉ luân phiên. Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để dự báo đó không xảy ra. Chúng tôi vẫn liên tục tìm kiếm mảng sản xuất mới như khẩu trang. Tiếp tục tìm kiếm đơn hàng dài. Đối với sản phẩm may mặc truyền thống, phải tăng cường sản phẩm hoặc làm những đơn hàng hoặc những điều kiện về giao hàng, chất lượng sản phẩm, số lượng nhỏ là chúng ta phải làm. Trong 6 tháng cuối năm, thời điểm tốt nhất, chúng ta nên tự đào tạo chính mình và công ty cũng sẽ tổ chức các chương trình đào tạo” – ông Việt cho hay.

Trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiếp tục thực hiện những giải pháp trọng tâm như triển khai sản xuất những mặt hàng cơ bản phục vụ cho khách hàng và chấp nhận phương án sản xuất linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn. Tổ chức sản xuất trên cơ sở đội ngũ được thanh lọc, tinh nhuệ, tiếp tục tập trung tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và sản xuất trong điều kiện khó khăn để duy trì phát triển kinh doanh của Tập đoàn./.