Rộng cửa đón du học sinh

Nhiều trường ĐH trong nước đã công bố tiếp nhận du học sinh Việt Nam cũng như sinh viên quốc tế có nhu cầu chuyển trường ĐH ở nước ngoài về học tại Việt Nam

Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu khiến việc học tập của không ít du học sinh Việt Nam ở nước ngoài bị ảnh hưởng. Nhiều du học sinh đã trở về nước và có nguyện vọng tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam.

Tiếp nhận du học sinh đủ điều kiện

Để hỗ trợ các du học sinh và sinh viên quốc tế có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Văn Phúc đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục ĐH đề nghị các trường xem xét, tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Rộng cửa đón du học sinh - Ảnh 1.
Du học sinh Việt Nam trở về từ Hàn Quốc.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội vừa có thông báo sẽ tiếp nhận du học sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19. GS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường sẽ tiếp nhận các du học sinh có nhu cầu và đủ điều kiện học tập vào các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của trường. Hiện tại, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đang triển khai 15 chương trình liên kết đào tạo quốc tế ở tất cả các bậc đào tạo: ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Ở bậc ĐH, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội liên kết đào tạo với 7 đối tác nước ngoài (9 chương trình). Ở bậc sau ĐH, trường liên kết đào tạo với 6 đối tác nước ngoài (6 chương trình). Theo GS Trần Thị Vân Hoa, việc tiếp nhận sẽ dựa trên kết quả học tập, số tín chỉ du học sinh đã tích lũy trong thời gian học ở nước ngoài để xem xét miễn giảm hoặc học bổ sung tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM sẽ tiếp nhận các du học sinh có nguyện vọng theo học tại trường. Hiện trường này đang thực hiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế với Trường ĐH Kettering (Mỹ) theo hình thức liên kết 2 + 2 (2 năm học tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và 2 năm học tại Trường ĐH Kettering). Trường cũng liên kết đào tạo với các trường ĐH Sunderland, ĐH Northampton (Anh) theo hình thức liên kết 3+1 hoặc 4+0. Tất cả các ngành này sẽ do đối tác Anh cấp bằng sau khi sinh viên tốt nghiệp.

Có thể xét tuyển học bạ

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố các điều kiện tiếp nhận du học sinh Việt Nam cũng như sinh viên quốc tế có nhu cầu chuyển trường ĐH ở nước ngoài về học tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường, trường này sẽ tiếp nhận những sinh viên đã học một kỳ ở nước ngoài và sinh viên quốc tế có nguyện vọng tới Việt Nam học. Các du học sinh có thể ghi danh theo danh mục chương trình quốc tế, nhà trường sẽ kiểm tra tài khoản học tập, nếu còn có hiệu lực thì nhận, những sinh viên đã bỏ học không được chấp nhận. Ông Điền cho biết trường chỉ nhận những du học sinh đang học ở các trường có thứ hạng tương đương (hoặc cao hơn) thứ hạng của Trường ĐH Bách khoa trong bảng xếp hạng ĐH của một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín. Trường này cũng sẽ căn cứ vào chương trình học tập và kết quả học tập của sinh viên ở nước ngoài để xem xét miễn và công nhận tín chỉ cho sinh viên theo quy chế đào tạo. Các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có thể đăng ký học tập một số học phần theo nguyện vọng. Khi kết thúc học phần, sinh viên sẽ được nhà trường cấp chứng nhận hoàn thành học phần kèm theo kết quả học tập (course certificate).

Một trường ĐH tốp đầu khác là ĐHQG Hà Nội cũng lên kế hoạch tiếp nhận những du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học phổ thông, đã tốt nghiệp nhưng chưa được tuyển sinh đầu vào ở bất kỳ trường ĐH nào, nay muốn về nước học ĐH. Theo GS-TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội, những học sinh đã tốt nghiệp phổ thông tại Mỹ, Anh có thể nộp hồ sơ vào ĐHQG Hà Nội dưới diện xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, trường hợp học sinh quốc tịch Việt Nam tốt nghiệp phổ thông ở nước ngoài nhưng chưa tham gia tuyển sinh đầu vào ở một trường ĐH nào tại nước ngoài thì trường chưa đưa ra được phương án giải quyết cuối cùng. Đại diện của ĐHQG Hà Nội cho biết nếu học sinh diện này đã được một trường ĐH nào ở nước ngoài nhận rồi thì có thể được nhận về dưới diện sinh viên trao đổi.

Trả lời bằng văn bản nếu không tiếp nhận

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam về nước được thực hiện căn cứ theo Thông tư số 10/2014/TT-BGDĐT ban hành quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài. Theo đó, lưu học sinh chưa tốt nghiệp về nước, nếu có nguyện vọng được học tiếp trong nước và có đủ hồ sơ theo quy định thì được đăng ký học tiếp tại cơ sở giáo dục trong nước. Thủ trưởng cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải quyết thủ tục tiếp nhận lưu học sinh về học tiếp tại cơ sở giáo dục của mình. Trường hợp cơ sở giáo dục không tiếp nhận lưu học sinh về học tiếp trong nước thì phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Theo Yến Anh/Báo Người lao động