Categories Thị trường

“Chơi” với vàng dễ đứt tay

 

Chuyên gia cho rằng thời gian tới, giá vàng rất khó tăng mạnh như vừa qua vì giá vàng đã, đang ở mức cao. Hơn nữa, khi giá vàng biến động thì lập tức biên độ giữa giá mua và giá bán sẽ được nới rộng ra hơn. Do đó nếu giá vàng đảo chiều đi xuống nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro kép vì giá mua cao hơn rất nhiều giá bán.

Tuần qua là tuần nhiều kịch tính trên thị trường vàng. Giá vàng trong nước và thế giới có nhiều diễn biến khó lường. Giá vàng thế giới đã vượt 1.800 USD/ounce ngay từ phiên đầu tuần và có thời điểm lên tới 1.813 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 15/7 trước khi đảo chiều về dưới 1.800 USD/ounce vào phiên ngày 17/7.

Ảnh minh họa.

Trong nước, giá vàng cũng tăng, giảm đan xen với hai phiên tăng (ngày 13, 15), 2 phiên giảm (ngày 14, 17). Riêng ngày 16/7, thị trường trong nước cho tín hiệu không rõ ràng khi sự tăng giảm đan xen ở các hãng khác nhau (SJC giảm nhẹ, Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tăng nhẹ …). Về phía các cửa hàng kinh doanh vàng, như những lần vàng “có sóng” trước, họ lập tức nới biên độ giá mua – bán, có lúc lên đến 600.000 đồng/lượng (trước đó, biên độ giá mua – bán nhiều thời điểm chỉ 50.000 – 80.000 đồng/lượng).

Nếu tính từ đầu năm đến nay giá vàng thế giới đã tăng tăng từ mốc khoảng 1.500 USD/ounce đến hơn 1.800 USD/ounce. Ở thị trường trong nước giá vàng tăng tương ứng từ khoảng 42,5 triệu đồng/lượng lên hơn 50,6 triệu đồng/lượng. Có thể thấy, nửa đầu năm 2020, giá vàng tăng với tốc độ bằng tốc độ tăng cả năm 2019 và bằng cả chu kỳ 2015 – 2018.

Theo dự báo của giới chuyên gia, diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp và khó đánh giá được tác động đến nền kinh tế, vì thế diễn biến giá vàng vẫn rất khó lường. Với giá vàng trong nước, do chênh lệch giữa giá bán và giá mua khá lớn nên rủi ro đối với những người mua vàng thời điểm này cũng tăng theo. Theo lời khuyên của các chuyên gia, trong giai đoạn này, người dân chỉ nên mua vàng khi phát sinh nhu cầu thực, chứ không nên tham gia đầu tư lướt sóng khi giá vàng đang neo ở mức rất cao như hiện nay bởi rất có thể giá vàng sẽ đảo chiều.

Thời gian qua tăng mạnh là do dịch Covid-19 làm cho nền kinh tế toàn cầu suy thoái và tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường. Nhà đầu tư còn nhiều băn khoăn, lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế nên xu hướng tìm tài sản “trú ẩn an toàn” trong đó có vàng. Việc lựa chọn vàng làm kênh trú ẩn được nhiều nhà đầu tư cho là lựa chọn phù hợp khi nền kinh tế thế giới nhiều biến động khó lường.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng thời gian tới, giá vàng rất khó tăng mạnh như vừa qua vì giá vàng đã, đang ở mức cao. Hơn nữa, khi giá vàng biến động thì lập tức biên độ giữa giá mua và giá bán sẽ được nới rộng ra hơn. Do đó nếu giá vàng đảo chiều đi xuống nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro kép vì giá mua cao hơn rất nhiều giá bán.

Theo TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các nhà đầu tư nên thận trọng và theo sát diễn biến thị trường khi quyết định đầu tư, không nên sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc tham gia đầu tư lướt sóng… Bởi lẽ, dư địa cho tăng giá trong ngắn hạn không nhiều khi giá được neo cao trong thời gian qua, các tín hiệu thị trường “đảo chiều” đã xuất hiện và chưa thể dự đoán được mức độ ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư sang các tài sản an toàn khác như: tiết kiệm ngân hàng, trái phiếu chính phủ… là hết sức cần thiết để giảm thiểu rủi ro không mong muốn. Nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động đầu tư là “bỏ trứng vào nhiều giỏ” để chia sẻ và giảm thiểu rủi ro. Bởi lẽ, nền kinh tế thế giới đã xuất hiện các tín hiệu lạc quan, một số quốc gia đã có những hoạt động nhằm khôi phục sản xuất để phục hồi nền kinh tế, thế giới đã dần thích ứng tình hình mới, kim ngạch thương mại quốc tế đã tăng trở lại sau khi chạm đáy vào quý II/2020… Điều này sẽ sớm thúc đẩy các nhà đầu tư giảm tỷ trọng đầu tư vàng để tăng tỷ trọng các tài sản có mức sinh lợi kỳ vọng cao, khi đó giá vàng sẽ đảo chiều mạnh và khó dự báo được mức độ ảnh hưởng trong thời gian tới, việc vàng đảo chiều giảm mạnh như giai đoạn 2011 – 2016 rất có thể sớm lặp lại khi “khẩu vị” của các nhà đầu tư thế giới thay đổi.

Theo Tú Hoàng/Thời báo Ngân hàng