Đây là khẳng định và cam kết của ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên ngày 18/7. Đồng thời, ông Lê Đức Thọ cũng đề xuất 5 nhóm giải pháp để góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư trên địa bàn Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên.
Theo ông Lê Đức Thọ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên có nhiều lợi thế, tiềm năng và đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực, có kết cấu hạ tầng đang phát triển và tương đối đồng bộ; nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, logistic, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp hóa dầu, năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản v.v…
Vùng Tây Nguyên có tiềm năng về phát triển thủy điện – điện mặt trời, nông lâm nghiệp, chăn nuôi và chế biến nông lâm sản, du lịch. Sáu tháng đầu năm 2020, đà tăng trưởng của khu vực đã bị ảnh hưởng đáng kể do một số ngành, lĩnh vực chịu tác động của dịch COVID-19 như vận tải, du lịch (vận tải, kho bãi giảm 13,67%, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 33,9% so với cùng kỳ), sản xuất công nghiệp (công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,7%), v.v…
Với vai trò là Ngân hàng chủ lực và trụ cột trong hệ thống ngân hàng, chiến lược phát triển của VietinBank gắn liền với chiến lược phát triển của đất nước, các ngành, các vùng và địa phương. Trong đó tập trung vào các khu vực kinh tế trọng điểm là động lực tăng trưởng của cả nước. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên, trong đó có khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung được xác định là một trong những địa bàn trọng tâm phát triển của VietinBank. Trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên, VietinBank có 19 chi nhánh, chiếm 12% tổng số chi nhánh trên cả nước, cùng với 112 phòng giao dịch và tổng số nhân sự là 2.276 người.
VietinBank ưu tiên tăng cường nguồn vốn tín dụng để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn, với tổng số vốn VietinBank đã đầu tư, cho vay các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn hơn 200 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn và hơn 22% tổng tín dụng toàn hệ thống. VietinBank đã tài trợ cho nhiều dự án lớn về cơ sở hạ tầng, đường giao thông, cảng biển, hàng không, du lịch, dịch vụ, lọc dầu, sản xuất thép, năng lượng tái tạo, nước sạch v.v… tạo động lực phát triển kinh tế vùng, khai thác lợi thế, tiềm năng vùng, thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, phục hồi sau dịch bệnh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, VietinBank khẳng định luôn chủ động đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cần thiết cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và tiêu dùng. VietinBank đã triển khai nhiều chương trình tín dụng thiết thực, giảm mạnh lãi suất cho vay, phí dịch vụ, cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ,… để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Trong những tháng có dịch COVID-19, VietinBank đã giải ngân mới 20 nghìn tỷ đồng cho cho khoảng 2.000 khách hàng (KH) trên địa bàn với mức lãi suất cho vay giảm mạnh, cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại TT01 đối với 427 KH có dư nợ là 14 nghìn tỷ đồng do ảnh hưởng bởi dịch để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch HĐQT VietinBank cam kết, trong thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, cung ứng vốn cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng biển, khu công nghiệp, sản xuất điện, công nghiệp chế biến, cơ khí chế tạo, dược phẩm, du lịch, dịch vụ… VietinBank tiếp tục cải cách mạnh mẽ quy trình, thủ tục, tăng khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp và cá nhân, trong đó chú trọng ứng dụng rộng rãi các giải pháp ngân hàng trên kênh điện tử, thuận tiện, an toàn, bảo mật. VietinBank cam kết đồng hành chặt chẽ cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt như: thanh toán dịch vụ công trực tuyến (đã triển khai tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa), kết nối thanh toán không dùng tiền mặt về y tế, giáo dục và các dịch vụ thiết yếu khác.
Nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư trên địa bàn, Chủ tịch HĐQT VietinBank đề xuất một số nội dung như sau:
Một là, trong quá trình thẩm định, quyết định đầu tư các dự án trọng điểm tại khu vực, đề nghị cho phép các NHTM tham gia ngay từ giai đoạn thẩm định, đánh giá tính khả thi, hiệu quả kinh tế, đến việc thu xếp vốn; tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp/ nhà đầu tư và ngân hàng. Phối hợp chặt chẽ giữa đầu tư công với hoạt động tín dụng của ngân hàng. Bảo đảm dự án thực sự phát huy hiệu quả kinh tế cao, tiến độ đầu tư nhanh.
Hai là, về đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, đề xuất tập trung vào đầu tư xây dựng các khu/cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, thu hút làn sóng đầu tư mới. VietinBank đang tích cực làm cầu nối thu hút các nhà đầu tư, đối tác quốc tế vào khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời đầu tư đồng bộ chuỗi kết nối: nhà đầu tư, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phụ trợ và ngân hàng.
Ba là, Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh (lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chế biến xuất khẩu nông sản,…) về thuế, phí,… để nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Bốn là, một số giải pháp chính để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực là (i) cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với trọng tâm là các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; (ii) huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết vùng; và (iii) phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp theo từng ngành có lợi thế tại địa bàn; đồng thời các NHTM xây dựng chính sách tín dụng và các giải pháp tài chính đồng bộ, toàn diện thúc đẩy phát triển.
Năm là, các doanh nghiệp rất cần thiết phải tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, linh hoạt, thích ứng và quản trị tốt sự thay đổi, tăng cường tham gia chuỗi liên kết; minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở xem xét thay thế các hình thức thế chấp tài sản khi vay vốn./.
Theo baochinhphu.vn