Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu và toàn diện đến mọi mặt kinh tế xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch. Đặc biệt Đồng bằng sông Cửu Long còn phải gánh thiệt hại “kép” từ dịch và khô hạn.
Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch đã có sự sụt giảm nghiêm trọng. Tăng trưởng của ngành du lịch quý I giảm sâu, và phục hồi chậm trong quý II, đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành.
Tổng khách du lịch đến TP.HCM 6 tháng đầu năm đạt 9,4tr lượt, giảm 54,7%, trong đó khách quốc tế đến TP.HCM 6 tháng ước đạt 1,3 triệu lượt (chủ yếu của 3 tháng đầu năm), giảm 69,3% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt 8,1%, giảm 50,9% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch 6 tháng ước đạt 34.099 tỷ đồng, giảm 49,6% so với cùng kỳ. Chưa có giai đoạn nào, sự sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ như lúc này. Tương tự, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khách du lịch đạt 12,9 triệu lượt, giảm 51% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 10.300 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ. Trong đó số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Đông ĐBSCL đạt 436.890 lượt, giảm 41.6% so với cùng kỳ; số lượt khách du lịch nội địa đạt 2,7 triệu lượt, giảm 48,3%.
Số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Tây ĐBSCL chỉ đạt 289.814 lượt, không tăng không giảm so với năm ngoái, tương tự đối với khách du lịch nội địa (là 9,6 triệu lượt). Các doanh nghiệp lữ hành phải chịu tác động kép – giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị huỷ. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú…
Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khả năng tự “chống chọi” khi có rủi ro thấp. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kỳ năm nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa. Tuy trong hoàn cảnh khó khăn nhưng phải thấy rằng các doanh nghiệp luôn chấp hành nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch, đồng thời luôn ở tinh thần sẵn sàng vào cuộc để chia sẻ công tác phòng chống dịch và tinh thần “bật trở lại” mạnh mẽ trong điều kiện bình thườngmới. Không chỉ ở trong nước mà những điểm đến nổi bật ở khu vực cũng đang “hứng chịu” tác động do đại dịch.
Trong năm tháng đầu năm, theo số liệu thống kê của Tổng cụ Du lịch Thái Lan (TAT), tổng số các chuyến du lịch nội địa của Thái Lan giảm 58,2%, chỉ đạt 40,2 triệu lượt, với doanh thu giảm 57,9% xuống còn 191 tỷ baht; lượng du khách quốc tế tới nước này đã giảm 60%, với mức doanh thu giảm 59,6% xuống 332 tỷ baht. Trước tình hình này, chính phủ Thái Lan “bơm” 22,4 tỷ bath kích cầu du lịch nội địa. Tương tự, chính phủ Malaysia phát hành miễn phí phiếu mua hàng cho mỗi người dân mệnh giá 100RM/1 phiếu mua, với cả gói khoảng 500 triệu RM. Với tình hình khó khăn chung của thị trường quốc tế và chính sách kích cầu du lịch nội địa rất hấp dẫn của các nước, sẽ càng làm gia tăng khó khăn cho thị trường du lịch quốc tế đến với Việt Nam thời gian tới.
Trong khi thị trường du khách quốc tế còn chưa “mở” thì lúc này chính là thời điểm “vàng” cho sự đầu tư phát triển thị trường du khách nội địa. Thị trường khách nội địa vẫn chiếm 2/3 số du khách đến thành phố hàng năm và là thị trường trọng điểm của các tỉnh, thành ĐBSCL. Theo cơ cấu tổng thu từ khách du lịch đến TP.HCM năm 2019, mặc dù chi tiêu khách quốc tế bằng 1,8 lần chi tiêu của khách nội địa, tuy nhiên thu từ khách du lịch nội địa chiếm gần 60% trong tổng thu từ khách du lịch của TP.HCM. Đối với du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL thì đây vẫn là nguồn thu chính.
TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL với lợi thế thoả thuận liên kết, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều. Nếu làm bài toán hoán đổi, 1/3 của 10 triệu dân TP.HCM về du lịch ở ĐBSCL và ngược lại 1/3 của 20 triệu dân của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đến du lịch ở TP. HCM, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân. Bên cạnh đó, TP.HCM xác định là cửa ngõ du lịch, cần có các sản phẩm để “hút” dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm các tour du lịch liên kết từ thành phố về ĐBSCL.
Từ sau Hội nghị triển khai ở Bạc Liêu vào tháng 12/2019 cho đến nay, dù trải qua 4 tháng gần như tê liệt do đại dịch Covid-19 nhưng UBND 14 tỉnh, thành đã chỉ đạo các Sở VHTTDL, Sở DL phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ thông tin, biện pháp phòng chống dịch và bước đầu cùng nhau thực hiện một số chương trình trong 13 chương trình thuộc kế hoạch hợp tác đã được 14 địa phương đồng thuận triển khai. Nổi bật, tập trung hình thành cơ chế hoạt động của Hội đồng liên kết phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã được Bộ VHTTDL thông qua, 14 địa phương đã tích cực thực hiện hiệu quả các chương trình kích cầu. Trong khoảng 2 tháng không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đã có trên 50.000 lượt khách du lịch đăng ký mua tour tại 5 doanh nghiệp lữ hành lớn của TP.HCM để đi du lịch đến các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Thời gian lưu trú của khách ở một số tỉnh, thành dài hơn. Các hoạt động khảo sát xây dựng tour mới đã bắt đầu trở lại. Hoạt động công tác bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm triển khai.
Theo Nguyễn Ngọc/Chất lượng&cuộc sống