Sau khi ông Đinh Viết Hưng bị phát hiện tiếp tục hành nghề “chui” bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp những nguy cơ, rủi ro có thể khiến tổn hại đến sức khỏe, tính mạng người dân. Phóng viên Ngày Nay đã truy lại quá trình hoạt động hành nghề của “lang băm” này thì được biết: Chỉ là một bác sĩ chuyên khoa về “chấn thương chỉnh hình”, nhưng không hiểu sao bác sĩ Đinh Viết Hưng lại có trong danh sách bác sĩ tại Bệnh viện Thẩm mỹ (BVTM) Kang Nam.
Để rồi sau đó, bác sĩ Đinh Viết Hưng lại có thêm quyết định bổ sung phạm vi hoạt động để “lột xác” biến thành bác sĩ thẩm mỹ. Hậu quả là 1 khách hàng nâng ngực tử vong, 1 thai phụ bị ông Hưng “đè” ra hút mỡ bụng…
Đặt túi ngực gây chết người
Ngày 17/10/2019, giới thẩm mỹ cũng như những người thích làm đẹp đã rúng động trước thông tin khách hàng V.N.A.T. (33 tuổi) đã tử vong chỉ sau 5 tiếng đồng hồ phẫu thuật đặt túi ngực tại BVTM Emcas. Người phẫu thuật đặt túi ngực cho chị T. là bác sĩ Đinh Viết Hưng, bác sĩ “hợp đồng hợp tác chuyên môn với BVTM Emcas”.
Khi vụ việc trên còn đang khiến dư luận bức xúc, thì bác sĩ Đinh Viết Hưng lại bị bệnh nhân Đ.T.N.A. (28 tuổi, ngụ Hà Nội) tố cáo phẫu thuật hút mỡ bụng khi đang mang thai được khoảng bốn tuần.
Theo chị A. kể lại, sau khi tìm hiểu trên mạng và được nhân viên thẩm mỹ viện (TMV) tư vấn, ngày 26/9/2019, chị A. đến TMV Sophie International tư vấn dịch vụ hút mỡ bụng. Sau đó, chị được cơ sở này đưa đến BVTM Emcas để làm xét nghiệm, ký giấy cam kết và tiến hành phẫu thuật hút mỡ vùng bụng, lưng, vai, bắp tay, nách và cắt, căng da bụng, nối lại dây chằng ở vùng bụng. Người thực hiện hút mỡ bụng cho chị A. là bác sĩ Đinh Viết Hưng, khi đó bác sĩ Hưng là bác sĩ “hợp tác” với BVTM Emcas.
Sau phẫu thuật, chị A. về Hà Nội thì có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, khó thở. Sau khi khám tại bệnh viện tư, bệnh nhân bàng hoàng phát hiện đã mang thai bốn tuần.
Theo tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay, vào thời điểm đó, bác sĩ Đinh Viết Hưng được Sở Y tế TP.HCM cấp chứng chỉ hành nghề số 009047/HCM-CCHN, ngày cấp 24/5/2013, lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, công tác tại BVTM Kang Nam (quận 3, TP.HCM).
Sau đó, không hiểu sao mà ông Hưng có bổ sung vào hồ sơ quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh tạo hình thẩm mỹ số 009047/QĐ-SYT do Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cấp ngày 20/4/2017.
Với danh nghĩa bác sĩ tại BVTM Kang Nam và “lá bùa” khám chữa bệnh tạo hình thẩm mỹ trên, cả một thời gian dài từ năm 2013 – 2019, ông Đinh Viết Hưng mặc sức tung hoành phẫu thuật thẩm mỹ cho cả khách hàng ở BVTM Kang Nam lẫn các cơ sở thẩm mỹ khác.
Người ta vẫn nói “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, tới ngày ngày 17/10/2019, khi ông Hưng đưa khách hàng tới BVTM Emcas (phường 12, quận 10, TP.HCM) để “làm thêm” thì sự cố nghiêm trọng đã xảy ra: Bệnh nhân tử vong sau khi đặt túi ngực được vài tiếng.
Tuy nhiên, đến nay đã 9 tháng trôi qua, mọi chuyện mới chỉ dừng lại việc làm rõ nguyên nhân tai biến mà 2 trường hợp vỡ lở khi xảy ra sự cố. Còn chưa thấy ai, chưa thấy các BVTM Emcas, Kang Nam trả lời cho Ngày Nay về việc có bao nhiêu khách hàng trong suốt 6 năm trời đó được bác sĩ Đinh Viết Hưng đem ra làm “chuột bạch”. Ai có thể làm rõ, “phần chìm của tảng băng” kia?.
Dùng giấy tờ giả để thành bác sĩ thẩm mỹ
Sau khi sự cố xảy ra khiến chị A. tử vong, Sở Y tế TP.HCM mới tiến hành gửi văn bản cho Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đề nghị rà soát hồ sơ quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh tạo hình thẩm mỹ số của bác sĩ Đinh Viết Hưng.
Ngày 22/10/2019, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khẳng định: Qua kiểm tra rà soát hồ sơ của các cá nhân xin cấp chứng chỉ hành nghề, xin cấp bổ sung phạm vi hành nghề thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh tại Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế, không có hồ sơ tên Đinh Viết Hưng.
Theo đó, quyết định số 009047/QĐ-SYT cấp ngày 20/4/2017 cho ông Đinh Viết Hưng là quyết định giả mạo, vì: Số được cấp trong quyết định cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn (009047) được lấy y nguyên số quyết định đã được Sở Y tế TP.HCM cấp trong chứng chỉ hành nghề. Việc cấp số trong Quyết định cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn của Sở Y tế Đồng Nai được cấp riêng, không trùng với số cấp trong chứng chỉ hành nghề.
Quyết định ngày 20/4/2017 là giả vì không có chuyện “xét đề nghị của Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Đồng Nai”, bởi tại thời điểm đó, việc thẩm định xét hồ sơ của Sở Y tế Đồng Nai được giao cho Trưởng phòng Quản lý hành nghề Sở Y tế. Đến tháng 5/2019, Sở Y tế Đồng Nai mới thực hiện sáp nhập các phòng chuyên môn thành phòng Nghiệp vụ.
Văn bản giả mạo không hề có chữ ký nháy của trưởng phòng chuyên môn tại dòng cuối cùng của văn bản như quy định của Sở Y tế Đồng Nai.
Con dấu của Sở Y tế Đồng Nai và chữ ký của Giám đốc Huỳnh Minh Hoàn là hoàn toàn giả mạo.
Tóm lại, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai khẳng định Sở Y tế Đồng Nai không cấp bất kỳ Quyết định bổ sung nào cho ông Đinh Viết Hưng, quyết định ngày 20/4/2017 là giả.
Điều đáng nói là, khi chúng tôi liên hệ với BVTM Kang Nam và BVTM Emcas để tìm hiểu sâu hơn về chuyện 2 bệnh viện trên vừa là nơi tiếp nhận hồ sơ giả, vừa là nơi tiếp tay “biến” ông Đinh Viết Hưng từ bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình thành bác sĩ tạo hình thẩm mỹ, phẫu thuật thẩm mỹ ra sao, như thế nào? Thì đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời theo nội dung mà phóng viên gửi đến 2 BVTM trên.
Thậm chí, BVTM Emcas thay vì trả lời sòng phẳng câu hỏi của phóng viên Ngày Nay đặt ra, thì lại đề nghị: “Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng của các cơ quan chuyên môn Sở Y tế TP.HCM và cơ quan điều tra, rất mong quý báo chia sẻ, giúp đỡ, tạm thời chưa đưa thông tin về sự việc này khi chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền”.
Riêng sở Y tế TP.HCM thì đến nay chỉ cho biết rằng liên quan đến vụ việc này, hồ sơ vụ việc liên quan đến bác sĩ thẩm mỹ, xài chứng chỉ giả, phẫu thuật thật, khách hàng mất mạng, biến chứng,… đã chuyển cho cơ quan chức năng, vẫn còn trong quá trình điều tra!