Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết “sẽ xem xét nới room tăng trưởng tín dụng cho một số TCTD. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng tín dụng do nguồn vốn ngân hàng cho vay là tiền gửi của dân”.
Tăng trưởng tín dụng đến 29/6/2020 của toàn hệ thống ngân hàng đạt 3,26% so với cuối năm 2019, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, mức tăng trưởng tín dụng đó là phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 1,81%.
“Mặc dù, tăng trưởng tín dụng luôn là nhu cầu tự thân của các TCTD do hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào cho vay. Song do hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu bị đình trệ do tác động của dịch bệnh kéo theo nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sụt giảm mạnh”, một chuyên gia ngân hàng cho biết. Vì thế, không thể so sánh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn “bình thường mới” với giai đoạn thị trường phát triển bình thường trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Điều đáng mừng là tín dụng đã có dấu hiệu tăng nhanh hơn trong thời gian gần đây do bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát. Theo đó, nếu như tháng 3 tín dụng mới tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12%; nhưng đến tháng 5 đã tăng 0,53% và đến 29/6 tín dụng đã tăng 3,26%, tức tăng 1,28% so với tháng 5.
Giới chuyên gia cũng kỳ vọng, tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong nửa cuối năm cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng quyết liệt vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn, cải cách thủ tục để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho DN.
Phát biểu tại Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp ở TP.HCM đầu tháng 7/2020, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết “sẽ xem xét nới room tăng trưởng tín dụng cho một số TCTD. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng tín dụng do nguồn vốn ngân hàng cho vay là tiền gửi của dân”.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu nhà điều hành tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng đợt này cho một số TCTD thì cũng phải dựa trên các nguyên tắc, những TCTD nào có tỷ lệ nợ xấu thấp, có khả năng mở rộng tín dụng ra thị trường trên cơ sở phát triển đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sẽ được ưu tiên cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, các lĩnh vực ưu tiên như DNNVV, nông nghiệp nông thôn… sẽ được khuyến khích mở rộng cho vay.
Thông tin của Thời báo Ngân hàng, những ngân hàng gần đây trình NHNN xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng có VPBank, HDBank, TPBank… Một số ngân hàng lớn như Agribank cũng đệ trình xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thêm trong năm nay nhằm tập trung cho vay vào những tháng cuối năm.
Trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng 6 tháng đầu năm nay, ACB là một trong những ngân hàng có hoạt động cho vay khá tốt và tiếp tục có nhu cầu mở rộng tín dụng. Ông Từ Tiến Phát – Phó tổng giám đốc ACB cho biết, ngay từ đầu năm, ACB đã công bố gói tín dụng 25 ngàn tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp hơn các sản phẩm khác từ 1-2%/năm, đến cuối quý I đã giải ngân gần hết gói tín dụng này. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành cho DN vay vốn thanh toán các chi phí để duy trì và khôi phục kinh doanh trong mùa dịch bệnh; DN khi vay vốn sau 12 tháng mới phải trả nợ gốc.
Tuy nhiên nỗ lực của một mình hệ thống ngân hàng là không đủ, mà bản thân các DN cũng cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình hiện nay. Một lãnh đạo cao cấp của VietinBank dự báo vốn tín dụng có thể bật tăng từ cuối quý III khi các nhu cầu đầu tư, tiêu dùng sẽ tăng dần lên vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý dịch bệnh diễn biến trên thế giới còn hết sức phức tạp, nên các DN phải xoay xở tập trung phát triển sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước khi thị trường xuất khẩu được dự báo còn nhiều khó khăn.
Ông Phan Đình Tuệ – Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, điều ngân hàng quan tâm nhất đối với khách hàng vay vốn hiện nay là phương án kinh doanh rõ ràng. Theo đó, DN có quan hệ với ngân hàng hiện nay bên cạnh tín dụng nên khai thác các sản phẩm dịch vụ như mở tài khoản, mở thư tín dụng (L/C), thanh toán, quản lý tài khoản, tiết kiệm… điều này sẽ có lợi cho khách hàng có chi phí tài chính thấp khi sử dụng các gói dịch vụ.
Theo Hải Nam/Thời báo Ngân hàng