Một doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh tại TP.HCM đã cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) giả cho khoảng 30 DN thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại cuộc họp báo chuyên đề công tác kiểm tra, điều tra chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu chiều 6/7, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trường Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, trong thời gian qua, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tiến hành xác minh 30 DN thuộc các nhóm hàng giày dép, ắc quy, linh kiện điện tử, gỗ, gỗ ván sàn. Các nhóm hàng này được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu đã đáp ứng điều kiện chuyển đổi mã số nên không đủ cơ sở xác định có gian lận xuất xứ.
Đối với mặt hàng thủy sản, phát hiện 2 DN thủy sản có hành vi khai sai xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Các công ty này chỉ sản xuất, gia công công đoạn chế biến đơn giản mang tính giết mổ. Căn cứ Điều 9, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 đây thuộc công đoạn gia công, chế biến đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam.
Ngoài ra, còn phát hiện 1 DN không được Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp ủy quyền để thực hiện việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng vẫn tự phát hành C/O cho nhiều DN thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Thống kê sơ bộ cho thấy, DN này ở TP. Hồ Chí Minh đã nhận thông tin và xuất C/O cho hơn 30 DN khác trên cả nước để xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài. Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của 30 DN này trên 600 tỷ đồng.
“Theo quy định, hiện chỉ có VCCI và Bộ Công thương có chức năng cấp C/O cho hàng xuất khẩu. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp chặt chẽ với Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an thực hiện các hoạt động điều tra, làm rõ sai phạm của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Hùng Anh cho hay.
Công ty nhôm Toàn cầu không vi phạm về xuất xứ
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, cơ quan hải quan đã kết thúc điều tra nghi vấn gian lận xuất xứ của nhôm trị giá 4,3 tỷ USD của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết, vụ việc ban đầu thông qua đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Tập đoàn thép của Mỹ đã đề nghị Nhà nước Việt Nam phối hợp với công an Bà Rịa – Vũng Tàu để điều tra suốt từ năm 2017. Tổng cục Hải quan đã thành lập lực lượng hỗn hợp của Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Điều tra sau thông quan, điều tra, xác minh lại vụ việc một lần nữa.
“Có thể nói đến giờ phút này, chúng tôi đã kết thúc quá trình điều tra, vấn đề vi phạm về xuất xứ của doanh nghiệp (DN) này chưa đủ căn cứ kết luận (DN) vi phạm”, ông Nguyễn Tiến Lộc khẳng định.
Theo ông Lộc, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu nhập khẩu nhôm, thậm chí nhôm thành phẩm (nhôm định hình) vào Việt Nam để sản xuất ra hàng xuất khẩu nhưng các nhôm này do điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa thích hợp để xuất sang Mỹ. Do đó, DN thực hiện sản xuất lại.
“Thành phẩm của công đoạn sản xuất này là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác và vì thế trong quá trình chuyển đổi đó, họ đáp ứng được chuyển đổi mã số. Với nội dung này, với tinh thần thận trọng, khẩn trương, đoàn kiểm tra kết luận không đủ căn cứ kể luận DN vi phạm (vi phạm gian lận xuất xứ Việt Nam”, ông Lộc cho hay.
Theo đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan, sắp tới sẽ có báo cáo lên Tổng cục Hải quan để Tổng cục Hải quan thông tin với Hải quan Mỹ về vụ việc.
Ông Lộc cho biết thêm, về một số vấn đề vi phạm khác của DN, ví dụ như DN có bán một số thành phẩm theo chỉ định của khách hàng nước ngoài cho DN Việt Nam.
“Cơ quan hải quan vất vả để điều tra nội dung này, theo quy định, hàng hóa của DN xuất bán trên thị trường nội địa DN phải mở tờ khai đối ứng và phải thu thuế. Tuy nhiên, họ không bán trong nội địa, nếu bán cơ quan hải quan sẽ vào cuộc”, ông Lộc nói.
Trước đây, có thông tin DN tồn nhôm ước tính 4,3 tỷ USD, tuy nhiên, theo ước tính của cơ quan hải quan, tổng số nhôm ước tính phải 5 tỷ USD. Đây là nhôm dự trữ để DN sản xuất, theo báo cáo tài chính của DN, do khó khăn của DN xuất khẩu đi bắc Mỹ. Khi tìm hiểu, cơ quan hải quan thấy công ty Toàn Cầu vi phạm Luật Cạnh tranh của phía Mỹ nên họ áp đặt mức thuế cao đối với cả công ty này chứ không chỉ nhắm vào mặt hàng thép./.