Giữa tháng 6/2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 với tỷ lệ tán thành rất cao (92,75%). Theo thông tin từ Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay Bộ này và Bộ Tài chính đang phối hợp để tập trung hoàn thiện các nghị định nhằm kịp thời ban hành ngay khi Luật PPP chính thức có hiệu lực vào 1/1/2021.
Gỡ nhiều nút thắt
Trong các quy định của Luật PPP vừa được Quốc hội thông qua, hầu hết những nút thắt chồng chéo pháp lý từ trước đến nay khi áp dụng Nghị định 63/2018 để triển khai các dự án hợp tác công – tư đều đã được tháo gỡ, nhiều phương diện trong quá trình đầu tư cũng đã được luật hóa rõ ràng và cụ thể.
Theo đó, về lĩnh vực đầu tư; quy mô đầu tư; phân loại dự án; trách nhiệm hội đồng thẩm định dự án; cách thức quản lý phần vốn nhà nước trong dự án PPP, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu giữa nhà nước với tư nhân… đều được quy định khá chi tiết. Quan trọng hơn là khi được luật hóa, các dự án đầu tư theo hình thức PPP được kỳ vọng không còn bị giới hạn và chồng lấn vào các luật chung cũng như luật chuyên ngành khác.
Chẳng hạn, trước đây với văn bản pháp lý cao nhất là Nghị định 63/2018, khi triển khai các dự án PPP, phần sơ tuyển, lựa chọn và chỉ định nhà đầu tư luôn bị mắc kẹt vì các quy định của Luật Đấu thầu. Các dự án PPP từ nhóm B trở lên phải tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư nên mất nhiều thời gian và tốn kém. Khi chỉ định nhà đầu tư, UBND cấp tỉnh/thành phố phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian. Tuy nhiên, hiện nay Luật PPP việc phân loại dự án và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đã khá rõ ràng từ cấp cao nhất là Quốc hội đến cấp tỉnh. Dự án do cấp nào quyết định chủ chương đầu tư thì cấp đó có quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Hay như cơ chế chia sẻ rủi ro đối với nhà đầu tư tư nhân, trước đây do vướng mắc bởi các quy định của Luật Đầu tư công, nên phần trách nhiệm chia sẻ của nhà nước bị bó buộc, nhiều dự án PPP kêu gọi tư nhân tham gia góp vốn nhưng không huy động được nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, hiện nay với Luật PPP cơ chế hợp tác win – win (cùng thắng) đã thể hiện khá rõ khi quy định doanh thu thực tế của dự án PPP cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng thì nhà đầu tư tư nhân chia sẻ với nhà nước 50% phần chênh lệch. Ngược lại khi doanh thu thấp hơn 75% thì nhà nước cũng sẽ chia sẻ với nhà đầu tư tư nhân 50% phần chênh lệch bị thiếu hụt.
Tạo đà cho các dự án hạ tầng thiết yếu
Theo các chuyên gia đầu tư tài chính và các DN lĩnh vực xây dựng hạ tầng, Luật PPP ra đời là một bước tiến dài về pháp lý đầu tư tại Việt Nam, sẽ kích hoạt hàng loạt các dự án PPP thế hệ mới khởi chạy ở 5 lĩnh vực hạ tầng thiết yếu bao gồm: giao thông; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, nước sạch, xử lý nước thải; y tế – giáo dục và hạ tầng công nghệ thông tin.
Ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp của ADB cho rằng, hiện nay hạ tầng Việt Nam vẫn là một trong những trọng tâm cần thu hút đầu tư vì nguồn lực nhà nước đã bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Vì thế Luật PPP ban hành thời điểm này chính là cú hích để các địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới và bổ sung nguồn lực từ khu vực tư nhân cho các dự án trọng điểm.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, các quy định về chia sẻ rủi ro, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, phân loại – thẩm định dự án được Luật PPP thể hiện minh bạch, chặt chẽ sẽ khiến các nhà đầu tư tư nhân mạnh dạn rót vốn. Những quy định mới về ưu đãi tiếp cận tín dụng đối với dự án PPP cũng sẽ tháo gỡ đáng kể những khó khăn về tài chính cho các nhà đầu tư tư nhân. “Theo khảo sát của VARSI tại 12 dự án hạ tầng, trong đó có 10 dự án đang triển khai theo hình thức PPP thì về cơ bản, Luật PPP vừa được Quốc hội thông qua đã đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của các nhà đầu tư” – ông Chủng cho biết.
Trong khi đó, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng những năm vừa qua, khả năng huy động nguồn vốn PPP tại TP.HCM vẫn thiếu hụt khá nhiều so với nhu cầu đầu tư. Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, hiện nay đơn vị đang theo dõi và quản lý 166 dự án đang thực hiện đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 324.770 tỷ đồng. Đơn vị cũng đang phối hợp các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư 293 dự án theo hình thức PPP ở nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến 910.426 tỷ đồng. Thời gian qua, do pháp lý đầu tư PPP chồng chéo với khoảng 15 Luật, Nghị định và 28 Thông tư liên quan nên tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư, tiến độ thi công, bố trí giải ngân ngân sách gặp nhiều vướng mắc. Nay Luật PPP đã được Quốc hội thông qua sẽ là tiền đề để đơn vị có thể đẩy mạnh các cơ chế, giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư hình thức PPP như xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; huy động từ nguồn lực đất đai, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tạo vốn góp tham gia các dự án; xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hình thức PPP, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ ODA kết hợp PPP.
Theo Thạch Bình/Thời báo Ngân hàng