Đòi nợ kiểu bất lương – Bài 1: Trả nợ FE CREDIT bằng cách tìm cái chết

Dùng lời ngon tiếng ngọt thuyết phục những người đang lâm cảnh khó khăn vay tiền, Công ty tài chính FE CREDIT (viết tắt là FE CREDIT) đã khiến bao con người lâm cảnh tan cửa nát nhà, thậm chí phải tìm đến cái chết, bởi kiểu đòi nợ đáng sợ.

Cầu Phú Long – nơi anh Tâm để lại xe máy, đôi dép, ví tiền và hợp đồng vay nợ với FE CREDIT rồi nhảy xuống sông tự tử. Ảnh Linh Vũ
Bài 1: Trả nợ cho FE CREDIT bằng cách tìm cái chết
Không thể trả nổi món nợ đã vay của Công ty tài chính FE CREDIT, người đàn ông hiền lành phải chọn cái chết để kết thúc những chuỗi ngày sống trong sợ hãi bởi kiểu hành xử bất lương của nhóm đòi nợ thuê.
“Chắc ba phải đi trốn nợ”
“Mấy chục năm qua, anh Tâm chưa bao giờ có một ngày sung sướng. Cuộc sống ảnh đã khổ từ nhỏ rồi, giờ ra đi bỏ lại gia đình thế này thì đau lắm…”, là những lời tâm sự của người thân anh Lê Thành Tâm (SN 1978, ở quận Gò Vấp, TP.HCM) – người vừa nhảy sông tự tử do không trả nổi số tiền đã vay của Công ty tài chính FE CREDIT.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở quận 12, TP.HCM, anh Tâm không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa nên buộc phải nghỉ học từ khi lớp 1, bởi sự khiếm khuyết về nhận thức. Ông trời đã lấy đi của anh sự nhanh nhạy nhưng bù lại bằng bản tính hiền lành, chất phác. Kể từ khi trưởng thành đến lúc lấy vợ, sinh con, người đàn ông này luôn được bà con lối xóm yêu quý nhờ chịu thương chịu khó, suốt ngày cặm cụi làm việc để lo cho gia đình 4 miệng ăn.
FE CREDIT còn hơn xã hội đen - bài 1: Trả nợ cho FE CREDIT bằng cái chết! - ảnh 1
Thi thể anh Tâm được người thân quàn tại một ngôi đình bên cạnh chân cầu trên đường Bùi Công Trừng (phường Thạnh Xuân, quận 12). Ảnh Linh Vũ

Không có học thức, không nghề nghiệp ổn định nên ai thuê gì anh làm nấy, từ việc khuân vác, nhổ đinh công trường tới phụ quán phở, quán cơm,… Vợ anh, người phụ nữ gầy gò rời quê hương Sóc Trăng lên thành phố cùng chồng mưu sinh bằng xe chè đậu nhỏ ven đường. Cảm thương đôi vợ chồng lam lũ quần quật nuôi 2 con nhỏ, một người bác họ đã cho gia đình 4 người tá túc trong con hẻm trên đường Phạm Văn Chiêu (phường 14, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh).

Tờ mờ sáng mỗi ngày, anh Tâm phải dậy thật sớm để phụ vợ đẩy xe ra đường bán chè rồi chở con trai lớp 7 đi học ở phường Thạnh Xuân, sau đó uống nước cầm hơi đi làm kiếm sống. “Một lần ba chở con đi học, ba nói ‘chắc ba phải đi trốn nợ’. Tất cả là tại ba làm liên lụy mẹ con con. Nói xong rồi ba im luôn”, con trai anh Tâm (đang học lớp 7) thuật lại. Đó cũng là những lời ít ỏi mà anh Tâm từng thốt ra về món nợ của mình với Công ty tài chính FE CREDIT.
Cả vợ anh và con gái lớn (đang học lớp 12) đều không mảy may hay biết về việc này cho đến khi băng đòi nợ thuê xuất hiện vào ngày 19/6/2020.
Khoảng 4 giờ sáng 21/6, anh Lê Thành Tâm chạy xe máy lên giữa cầu Phú Long (đoạn thuộc địa phận phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) để lại xe máy, đôi dép và ví tiền rồi nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử. Kiểm tra trong ví nạn nhân để lại, cơ quan chức năng phát hiện bộ hợp đồng vay tiền giữa nạn nhân và Công ty tài chính FE CREDIT có giá trị là 40 triệu đồng.
Kêu cứu trong tuyệt vọng
Không có nhà, thi thể anh Tâm được người thân quàn tại một ngôi đình bên cạnh chân cầu trên đường Bùi Công Trừng (phường Thạnh Xuân, quận 12). Những tiếng khóc ai oán cứ vang vọng theo từng hồi kèm, tiếng chuông mỗi khi có ai đó đến viếng linh cữu người xấu số. Chị Nguyễn Ngọc Trang Đài (vợ anh Tâm) sau những ngày dài hoảng loạn đã đủ tỉnh táo để thuật lại sự việc với phóng viên Ngày Nay.
“Hôm đó khoảng 17 giờ thứ Sáu, ngày 19/6, tôi đang ở nhà cùng con trai thì có một nhóm thanh niên khoảng 10 người đến gõ cửa yêu cầu cho vào nhưng tôi không đồng ý. Một lát sau, chồng tôi về thì họ ép phải cho vào nhà để nói chuyện. Tôi cũng không biết chuyện gì nên ra ngoài, lúc về thì thấy chồng tôi cúi mặt khóc và anh ấy nói là đang thiếu nợ FE CREDIT số tiền 168 triệu đồng cả gốc và lãi” – chị Đài kể.
FE CREDIT còn hơn xã hội đen - bài 1: Trả nợ cho FE CREDIT bằng cái chết! - ảnh 2
Vợ và 2 con anh Tâm thuật lại sự việc. Ảnh Linh Vũ
Theo chị Đài, các đối tượng trên không chỉ chửi bới mà còn đe dọa nếu không trả tiền trước ngày 22/6 sẽ đánh chết. Sau một hồi gây áp lực, nhóm người này ép vợ chồng chị Đài phải đi xe máy theo chúng đến nơi khác làm việc. Mãi đến hơn 21 giờ, nhóm đòi nợ thuê mới cho vợ chồng anh Tâm về nhà cùng mảnh giấy mang dòng chữ: “Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, 144 Cộng Hòa, F12, Q Tân Bình (Tòa nhà FE), 0902.566.0XX (Thành)”. Theo chị Đài, đây là nơi mà con nợ phải đến để thanh toán tiền.
Hôm sau (20/6), anh Tâm vẫn không có biểu hiện gì bất thường, vẫn giúp vợ bán chè và đi phụ quán. “Đến rạng sáng 21/6, anh Tâm bất ngờ dậy sớm hơn bình thường và nói rằng chỉ đi làm sớm một bữa nay thôi. Sau đó, người dân gọi điện về bảo anh nhảy cầu bên Thuận An (TP Thuận An, Bình Dương) tự tử rồi…” – chị Đài nhớ lại giây phút khi nhận hung tin.
Sáng 24/6, gia đình đã đưa linh cữu anh Tâm về quê vợ ở Sóc Trăng an táng. “Chờ lo hậu sự cho anh Tâm xong, chúng tôi sẽ nhờ chính quyền, công an vào cuộc điều tra hành vi của nhóm đòi nợ thuê và Công ty tài chính FE CREDIT vì đã ép chết một mạng người” – người thân anh Tâm khẳng định.

Ngân hàng cũng đòi nợ kiểu bất lương như FE CREDIT

Tháng 9/2019, chị Lưu Minh Phượng (ở quận Đống Đa, Hà Nội) bị kẻ lạ tung nhiều bài viết, hình ảnh cá nhân, gia đình và bạn bè lên mạng xã hội, vu khống chị Phượng là tòng phạm, đồng lõa lừa đảo với bà H.T.T.N. (người quen của chị Phượng) đang có một khoản nợ với Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Nội dung các bài viết này dùng lời lẽ tục tĩu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và phân biệt vùng miền nhắm vào chị Phượng cùng các thành viên trong gia đình, trong đó có cả con của chị Phượng, nhằm mục đích gây áp lực buộc bà H.T.T.N. phải trả nợ. Việc này diễn ra liên tục trong thời gian dài buộc chị Phượng phải gửi đơn cầu cứu lên cơ quan công an và báo chí.

Một vụ việc khác xảy ra vào ngày 6/4/2016, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) gây xôn xao dư luận khi đưa “tổ đặc nhiệm” thu hồi nợ với trang phục, trang bị đầy đủ dùi cui, lá chắn, xà beng,… phá cửa ngôi nhà số 756 Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội), gây sức ép với gia đình anh Đoàn Thế Minh.

Được biết, năm 2010, vợ chồng anh Minh vay của Techcombank số tiền 20 tỷ đồng, thời hạn vay 250 tháng. Tuy nhiên, do công việc không thuận lợi, hai bên xảy ra tranh chấp và phía Techcombank đã khởi kiện anh Minh ra tòa án nhân dân quận Hà Đông. Tuy nhiên, trong quá trình tòa án đang thụ lý và chưa có kết quả thì xảy ra vụ việc nói trên.