Theo các chuyên gia tài chính, việc NHNN hai lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng trong tháng 3 và tháng 5 vừa qua đã có tác động định hướng đối với lãi suất thị trường…
Lãi suất huy động giảm nhẹ
ACB mới đây đã giảm lãi suất huy động tiết kiệm xuống còn 5,9%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng; tuy nhiên nếu khách hàng có số tiền gửi từ trên 1 tỷ đồng ngân hàng trả lãi từ 6,1%/năm; lãi suất tiết kiệm 12 tháng ở mức 6,4%/năm đến tối đa 6,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng của ACB đang ở mức 7%/năm, kỳ hạn 24 và 36 tháng là 6,9%/năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác như Sacombank hiện đang trả lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng ở mức 6%/năm; 6,7%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng; các kỳ hạn 24 và 36 tháng có chung mức lãi suất 6,7%/năm đối với tiết kiệm thông thường.
Trong tháng 6/2020 một số NHTM trên thị trường đã có sự điều chỉnh giảm nhẹ từ mức 0,2-0,5%/năm ở một số kỳ hạn. Không chỉ giảm lãi suất ở các kỳ hạn dưới 6 tháng về còn tối đa là 4,25%/năm theo quy định của NHNN, lãi suất các kỳ hạn dài cũng giảm theo.
Nhìn chung hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng không chênh lệch quá lớn. Mặc dù hiện vẫn có một số ngân hàng trả lãi suất trên 8%/năm, song chỉ áp dụng cho các kỳ hạn dài trên 12 tháng và với số tiền gửi rất lớn, như ở Eximbank mức lãi suất 8,4%/năm được trả cho các khách hàng gửi với kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi lần đầu trên 100 tỷ đồng; hoặc SHB có mức lãi suất 9,2%/năm điều kiện gửi tiền 500 tỷ đồng. Theo giới chuyên môn, việc các NHTMCP niêm yết mức lãi suất cao như vậy chủ yếu là nhằm quảng cáo để thu hút khách hàng chứ không có nhiều khách hàng cá nhân có số tiền gửi lớn như vậy.
Theo thống kê phân tích tiền gửi của các ngân hàng, người gửi tiền dài hạn lấy lãi hỗ trợ thêm cuộc sống hiện chủ yếu các cán bộ, công chức, người làm công ăn lương… gửi tiết kiệm nhỏ lẻ một vài ba trăm triệu đồng trở lại, thậm chí số lượng tiền thấp hơn như một cách tích lũy. Trong khi đó số tiền gửi lớn trong ngân hàng chủ yếu là của doanh nghiệp thường chỉ gửi tiền ngắn hạn để chờ thanh toán.
Theo thống kê của NHNN Việt Nam hiện lãi suất huy động VND bình quân của các NHTM ở mức 4-4,25% đối các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, 4,9-6,6%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-12 tháng, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5 – 7,4%/năm; lãi suất huy động USD hiện vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức 0%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân của các NHTM ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5,0%/năm. Lãi suất cho vay USD: Hiện lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0-6,0/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2-6,0%/năm.
Lãi suất cho vay thấp nhất trong 10 năm qua
Ông Nguyễn Cảnh Vinh – quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, trong mục tiêu kinh doanh của Eximbank hiện nay đang cố gắng tạo ra nguồn vốn với chi phí thấp thông qua các nhóm khách hàng cá nhân. “Ngân hàng xác định huy động 100 tỷ đồng của 100 ngàn người dân bền vững hơn huy động 100 tỷ đồng của 10 người gửi tiền số lượng lớn. Hiện nay các khoản tiết kiệm nhỏ lẻ không còn đáng lo về chi phí đội, do ngân hàng dùng công nghệ để tiếp cận khách hàng qua các hình thức tiết kiệm online để tiết giảm chi phí tối đa”, ông Vinh nói.
Theo các chuyên gia tài chính, việc NHNN hai lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng trong tháng 3 và tháng 5 vừa qua đã có tác động định hướng đối với lãi suất thị trường. Bên cạnh đó, hiện thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu và đang đứng ở mức rất thấp. Cụ thể hiện lãi suất mà các nhà băng vay mượn nhau qua đêm chỉ là 0,13%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 0,23%/năm, 2 tuần là 0,33%/năm và 1 tháng là 0,74%/năm. Ngoài ra tín dụng những tháng đầu năm tăng khá chậm do cầu tín dụng của nền kinh tế yếu, trong khi nguồn vốn huy động vẫn tăng trưởng tích cực.
Điều đó cho thấy, “áp lực huy động vốn của các ngân hàng là không lớn và đây là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo hướng bền vững hơn cũng như thiết lập một mặt bằng lãi suất huy động hợp lý, phù hợp với mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh trong thời gian gần đây”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Quả vậy, lãi suất huy động thấp và thanh khoản ổn định đã giúp các ngân hàng hiện nay có những khoản cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất 4,5-5%/năm đối với những doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh tốt. Bên cạnh đó lãi suất cho vay cá nhân vay mua nhà trả góp, sửa chữa nhà hiện nay đã lùi xuống quanh mức 8%/năm ở các NHTM nhà nước sau đó ngân hàng lấy lãi suất kỳ hạn 12 tháng cộng thêm khoảng 3,5% ra lãi suất cho vay trong giai đoạn tiếp theo.
Các NHTM đều có dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp để ổn định lãi suất cho vay trong giai đoạn tới khi mà sức mua trên thị trường và cả nền kinh tế cần có thời gian để phục hồi. Hơn nữa các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm gần đây của các NHTM đều thành công ở mức lãi suất 5,5-6,2%/năm, điều này càng củng cố thêm niềm tin lãi suất cho vay trong trung hạn sẽ khó tăng thêm cao.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho sức cầu nền kinh tế suy giảm, kéo theo sức cầu tín dụng giảm theo nên không ngân hàng muốn tăng lãi suất đầu vào để tạo thêm áp lực tài chính lên chính họ. Mặc dù, Việt Nam đang ở trong giai đoạn hậu dịch bệnh Covid-19 nhưng thực tế dịch bệnh trên toàn cầu còn diễn biến rất phức tạp. Lãi suất cho vay dù đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhưng thị trường đang trong giai đoạn “bình thường mới” nên mọi phương án vay vốn thời điểm này người đi vay vốn phải minh bạch tài chính, rõ ràng phương án trả nợ mới có thể dễ dàng tiếp cận vốn rẻ.
Theo Minh Phương/Báo Người lao động