Categories Doanh nghiệp

Xóa sổ Jetstar Pacific – Bài 2: “Chủ nợ” Jetstar Pacific và món nợ khó đòi từ Pan Pacific Airlines

Nhằm giảm lỗ trong bối cảnh thị trường nội địa đang cạnh tranh khá gay gắt, Jetstar đã lựa chọn Pan Pacific Airlines (PPA) để cho thuê 2 máy bay. Tuy nhiên, việc kinh doanh của hãng PPA cũng không tốt đẹp hơn Jetstar là mấy. Vì thế, Jetstar vừa phải gánh lỗ khủng, vừa có nguy cơ vướng phải món nợ khó đòi từ Pan Pacific Airlines.

Pan Pacific Airlines hiện có trụ sở tại Philippines. Ảnh: PPA
Rất khó để thu hồi 2 tàu bay đã cho thuê
Theo báo cáo giải quyết việc Jetstar cho PPA thuê máy bay đề ngày 13/2/2020, thì PPA hiện đang trên bờ vực phá sản, và hai chiếc máy bay cùng tiền thuê có thể sẽ trở thành “nợ xấu”. Được biết, Pan Pacific Airlines là hãng hàng không có trụ sở tại Philippines, thuộc sở hữu của Tập đoàn Pan Pacific Korea tại Hàn Quốc .
Cụ thể, nhằm thực hiện định hướng giảm quy mô đội bay, giảm lỗ, năm 2017, Jetstar đã kí hợp đồng cho PPA thuê lại hai máy bay mang số hiệu MSN2340 và MSN2331 với giá mỗi chiếc là 185.000 USD/ tháng, trong thời hạn 6 năm. PPA đặt cọc cho mỗi máy bay số tiền là 925.000 USD.
Xóa sổ Jetstar Pacific - Bài 2: “Chủ nợ” Jetstar Pacific và món nợ khó đòi từ Pan Pacific Airlines - ảnh 1
Vừa gánh lỗ khủng, vừa Jetstar vừa có nợ khó đòi. Ảnh: Hồ Ngọc Giàu
Cũng theo báo cáo, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nguy cơ PPA phá sản trong tương lai là rất cao, buộc Jetstar phải tìm giải pháp tốt nhất để sớm thu hồi máy bay, giảm thiểu các rủi ro có thể phát sinh.
Nếu thu hồi máy bay trong điều kiện PPA phá sản, Jetstar sẽ phải thông qua các thủ tục tố tụng của Philippines. Việc thu hồi máy bay có thể kéo dài đến 5 năm, thiệt hại kinh tế ước tính là 12,9 triệu USD (gần 300 tỉ đồng). Nếu đơn phương lấy lại máy bay theo quy định của hợp đồng nhưng PPA không hợp tác, thì Jetstar phải thông qua các thủ tục tố tụng tại Anh (theo quy định của hợp đồng) và Philippines. Phương án này cũng tốn rất nhiều thời gian, đồng thời, Jetstar cũng bị thiệt hại kinh tế rất lớn.
Báo cáo còn nêu rõ, PPA hiện không đồng ý hợp tác trả lại 2 máy bay cho Jetstar vì họ cho rằng điều này sẽ đẩy PPA đến bờ vực phá sản. Mà nếu PPA phá sản, thì như trên đã nói, Jetstar sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc mới có thể lấy lại được hai máy bay của mình. Vì thế, có thể nói giữa Jetstar và PPA đang rơi vào thế giằng co.
Một phi vụ làm ăn quá nhiều rủi ro
Báo cáo này cũng nêu, Jetstar sẽ chọn phương án tiến hành thu hồi trước một chiếc máy bay, rồi tìm phương án để lấy lại chiếc thứ hai. Đồng thời, yêu cầu PPA thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc trả tàu theo đúng quy định của hợp đồng, thuộc trách nhiệm của PPA.
Tuy nhiên, trong trường hợp PPA không có khả năng thanh toán, thì Jetstar sẽ ứng trước khoản thanh toán này ở mức thấp nhất có thể để đàm phán với các đối tác liên quan và tính vào công nợ của PPA, để đảm bảo khả năng thu hồi máy bay sớm nhất. Ngoài ra Jetstar còn phải tốn chi phí cho việc thuê tư vấn tại Hàn Quốc và Philippines, hao tốn nhân lực cho việc tiến hành thu hồi tàu bay.
Có thể nói, đây lại là một phi vụ làm ăn trên đà thất bại của Jetstar. Những tưởng cho thuê máy bay để có thể giảm lỗ, thì nay, Jetstar lại phải đau đầu vì mong muốn mau chóng kết thúc hợp đồng cho thuê, thu hồi máy bay. Theo tình hình hiện tại, dịch Covid-19 trên thế giới có thể còn kéo dài, hãng PPA tiếp tục khó khăn, Jetstar phải đối diện với việc công nợ của PPA có thể cao hơn so với tiền đặt cọc, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản.
Xóa sổ Jetstar Pacific - Bài 2: “Chủ nợ” Jetstar Pacific và món nợ khó đòi từ Pan Pacific Airlines - ảnh 2
Vietnam Airline hy vọng việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, tái cơ cấu sẽ giúp Jetstar (sắp tới là Pacific Airline) sẽ làm ăn phát đạt hơn. Ảnh: VNA
Với hơn 98% cổ phần tại Jetstar, Vietnam Airline ngoài việc gánh món lỗ hơn 4.000 tỉ, còn phải có trách nhiệm trong việc thu hồi 2 máy bay mà Jetstar đã cho thuê. Vietnam Airlines cũng đang tiến hành tái cơ cấu, “xóa sổ” Jetstar Pacific với quá nhiều lùm xùm về việc làm ăn không hiệu quả.
Dẫu vậy, thương hiệu mới Pacific Airlines dựa trên tiền đề Jetstar cũng buộc phải dựa vào nguồn lực của Vietnam Airlines. Trong khi Hãng hàng không quốc gia mới vừa lên tiếng cần đến 12.000 tỉ đồng “vay chứ không xin”, nếu không hãng sẽ cạn tiền mặt trong tháng 8 tới. Và năm nay, Vietnam Airlines dự kiến lỗ 15.000 – 16.000 tỉ đồng.
Có vẻ như “đứa con hư” Jetstar đang trở thành hòn đá đè nặng lên công ty mẹ Vietnam Airlines. Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những khoản lỗ triền miên, liên tục và những lùm xùm của Jetstar Pacific?
Chúng tôi đã liên lạc với đại diện Vietnam Airlines để tìm hiểu thông tin vụ việc. Vị đại diện này cho biết sẽ sớm có câu trả lời.
Hồ Ngọc Giàu/Ngày nay