Bộ Công thương tích cực hỗ trợ ngành gỗ

Thời gian qua tiếp tục chứng kiến xu thế gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại trên thế giới, trong đó nổi bật là các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. 

Tính đến tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương đã xử lý 176 vụ việc PVTM do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đang xử lý 13 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam và 6 vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới (lớn hơn số lượng vụ việc của cả năm 2019).

Sản phẩm xuất khẩu bị điều tra rất đa dạng, trong đó mặt hàng gỗ bị điều tra 07 vụ, chiếm tỷ lệ 4%. Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số vụ việc phòng vệ thương mại nhưng đáng lưu ý là mức độ điều tra với các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng. Tính trong cả giai đoạn 2007 – 2017 mới chỉ có 03 vụ việc với mặt hàng gỗ, tuy nhiên từ 2018 đến nay đã có 04 vụ với sản phẩm này. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu các vụ việc với sản phẩm gỗ gần đây cao hơn nhiều so với các vụ trong giai đoạn 2007 – 2017 (vụ việc chống bán phá giá gỗ MDF do Ấn Độ điều tra năm 2015 có kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,1 triệu USD, trong khi đó vụ việc Hàn Quốc điều tra gỗ dán năm 2019 có kim ngạch xuất khẩu khoảng 170 triệu USD).

Gần đây nhất, ngày 17 tháng 6 năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng đối với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là sản phẩm gỗ ván dán cứng (hardwood plywood), gỗ ván dán dùng trong trang trí (decorative plywood) và một số loại gỗ ván phủ veneer. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này sang Hoa Kỳ của Việt Nam trong năm 2019 là khoảng 300 triệu USD. Sau khi khởi xướng điều tra, Hoa Kỳ sẽ gửi bản câu hỏi đến các doanh nghiệp xuất khẩu có liên quan của Việt Nam và đề nghị cung cấp thông tin, trả lời.Trong trường hợp DOC kết luận sản phẩm gỗ ván ép của Việt Nam lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ ban hành lệnh áp thuế với sản phẩm này của Việt Nam từ thời điểm khởi xướng điều tra với mức thuế cao nhất đang áp với Trung Quốc (thuế phá giá: 183,36%; thuế chống trợ cấp: 22,98% – 194,9%).

Theo quan điểm của Hoa Kỳ, mục tiêu áp thuế chống lẩn tránh không phải là sản phẩm của Việt Nam mà để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với sản phẩm xuất khẩu của quốc gia khác. Sản phẩm của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn khác (ngoài Trung Quốc) có thể sẽ được phép sử dụng cơ chế khai báo để hưởng miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế. Do vậy, trong các vụ việc điều tra chống lẩn tránh cho tới nay, biện pháp chống lẩn tránh thuế đều không ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam do các doanh nghiệp đã chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu từ trong nước hoặc các nước khác thay vì nguyên liệu của Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu.

Trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, DOC sẽ xem xét 5 yếu tố để xác định quá trình sản xuất/lắp ráp hoặc hoàn thiện hàng hóa của một nước có bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hay không, bao gồm: (i) mức độ đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; (ii) mức độ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm; (iii) quá trình sản xuất tại nước xuất khẩu; (iv) quy mô của các cơ sở sản xuất tại nước xuất khẩu; (v) giá trị gia tăng của sản phẩm được thực hiện ở nước xuất khẩu trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã liên tục cảnh báo các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ về khả năng Hoa Kỳ điều tra sản phẩm gỗ dán xuất khẩu. Trên cơ sở cảnh báo của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan cũng đã tăng cường công tác quản lý, siết chặt công tác chứng nhận xuất xứ, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của một số doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận.

Để chủ động phòng tránh khả năng lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12 tháng 11 năm 2019 về việc tạm dừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ. Bộ Công Thương cũng đã có nhiều buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ để tìm hiểu thông tin, xây dựng kế hoạch sẵn sáng ứng phó với vụ việc. Theo đó, nguyên liệu gỗ thu hoạch tại Việt Nam hàng năm đủ để sản xuất 8,4 triệu mét khối gỗ dán trong khi tổng lượng xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam năm 2019 là 2,5 triệu mét khối.

Như vậy, xét về nguyên liệu đầu vào thì Việt Nam đủ năng lực cung ứng cho các nhà máy sản xuất gỗ dán. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi thông tin vụ việc, trao đổi với Cơ quan điều tra của Hoa Kỳ cũng như cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ để thông tin và hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp.

Nhằm ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại nói chung với ngành gỗ hiện nay và vụ việc gỗ ván dán nói riêng, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ thì ngành sản xuất, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định, đặc biệt trong việc xây dựng chuỗi giá trị, hiện đại hóa hệ thống quản lý, phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp để chứng minh cho các cơ quan điều tra thấy mình không bán phá giá hay lẩn tránh thuế. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván dán của Việt Nam:

– Tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của Hoa Kỳ: trong thời gian qua Hoa Kỳ thường xuyên thay đổi quy định, thủ tục điều tra theo hướng dễ khởi xướng điều tra, áp dụng hơn. Trong nhiều trường hợp, cơ quan điều tra (như Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ) có thể chủ động điều tra mà không công bố công khai. Quy định về “chuyển đổi đáng kể” hay yêu cầu “hợp tác”, “cung cấp thông tin” cũng có thể thay đổi qua từng vụ việc, do đó các doanh nghiệp cần tìm hiểu để kịp thời nắm bắt, đáp ứng các điều kiện liên quan.

– Chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, đồng thời cần hợp tác tối đa với của cơ quan liên quan tại nước nhập khẩu trong các vụ việc điều tra. Thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định để đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước.

– Xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp PVTM trong trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến.

– Có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời đây cũng là giải pháp lâu dài để ứng phó với các cuộc điều tra “chống lẩn tránh” đang ngày càng gia tăng hiện nay.

– Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.