Diễn biến giằng co trên thị trường chứng khoán có thể còn tiếp diễn

Sau hai phiên biến động mạnh đầu tuần này, thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu bình ổn lại. VN-Index dao động với biên độ thấp quanh ngưỡng 855 điểm trong cả phiên giao dịch ngày hôm nay, 17/6.

Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 1,69 điểm (-0,20%), xuống 854,44 điểm với 147 mã tăng, trong khi có 220 mã giảm. Khối lượng giao dịch đạt 354,8 triệu đơn vị, giá trị 4.346,6 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 2,22 điểm (-1,92%), xuống 113,27 điểm với 79 mã tăng và 69 mã giảm. Khối lượng giao dịch đạt 70,8 triệu đơn vị, giá trị 512 tỷ đồng. Trên UPCoM, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,34%), xuống 55,88 điểm với 83 mã tăng và 80 mã giảm. Khối lượng giao dịch đạt 21 triệu đơn vị, giá trị 192 tỷ đồng.

dien bien giang co tren thi truong chung khoan co the con tiep dien
Bản đồ thị trường ngày 17/6.

Thị trường phân hóa mạnh ngay từ đầu phiên khiến VN-Index giao dịch lình xinh quanh ngưỡng tham chiếu với nhịp tăng, giảm đan xen. Ở nhóm cổ phiếu bluechips, trong khi VHM, VCB, VRE, PLX… giữ vững sắc xanh thì VIC, VNM, BID… điều chỉnh đã tác động tiêu cực lên thị trường chung.

Diễn biến giằng co diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, thực phẩm, chứng khoán… khiến thị trường giao dịch không có nhiều điểm nhấn.

Áp lực bán có phần chiếm ưu thế về cuối phiên khiến VN-Index đóng của giảm nhẹ gần 2 điểm. Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với các phiên trước khi khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 445 triệu đơn vị.

Nhìn sang khối ngoại, dù các chỉ số chính giảm điểm nhưng giao dịch khối ngoại vẫn là điểm sáng trong phiên khi họ mua ròng 100 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua của khối ngoại tập trung vào các bluechips như PLX (54 tỷ đồng), VHM (50,6 tỷ đồng), VRE (36,5 tỷ đồng), FUEVFVND (30,3 tỷ đồng)…

Cụ thể trên HoSE, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp với 2,16 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 98,79 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại có phiên bán ròng nhẹ với giá trị 376 triệu đồng. Còn trên UPCoM, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 12 liên tiếp với giá trị 1,58 tỷ đồng.

Phân tích diễn biến trong phiên, các chuyên gia chứng khoán cho biết, cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế từ IMF khiến tâm lý thận trọng gia tăng. Các thị trường chứng khoán châu Á đều giao dịch khá lình xình trong phiên 17/6. Thị trường Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ tâm lý này khi giao dịch giằng co quanh ngưỡng tham chiếu. Dù vậy, động thái mua ròng của khối ngoại đang hỗ trợ tích cực cho thị trường.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang giằng co với biên độ hẹp trong vùng giá 850 – 860 điểm kèm theo sự phân hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, các chỉ báo kỹ thuật như MACD, RSI, Stochastic, ROC… vẫn đang suy yếu cho thấy rủi ro điều chỉnh ở mức cao. Nhiều khả năng thị trường sẽ giằng co và tích lũy trong vùng quanh 850 điểm trong một vài phiên nữa. Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên quan sát thị trường và hạn chế mua mới trong giai đoạn hiện tại.

Đại diện Công ty CP Chứng khoán BSC cho rằng, dòng tiền thị trường suy yếu khi chỉ có 7/19 nhóm ngành tăng điểm. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng mua ròng trên sàn HSX và bán ròng nhẹ trên sàn HNX. Điều này đã góp phần hạn chế đà giảm của VN-Index.

Thanh khoản thị trường suy giảm, biên độ dao động thu hẹp và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy tâm lý cẩn trọng của các nhà đầu tư. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do nhiều nhà đầu tư dự đoán VN-Index sẽ có biến động mạnh trong hai phiên cuối tuần khi hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 đáo hạn vào thứ Năm và ETF kết thúc cơ cấu danh mục vào thứ Sáu.

Liên quan đến thị trường chứng khóa phái sinh, các hợp đồng phái sinh biến động trái chiều trong phiên ngày 17/6. Hợp đồng F2006 tăng 0,4 điểm lên 798,4 điểm, trong khi đó, các hợp đồng khác đều dưới tham chiếu. Thanh khoản hợp đồng F2006 giảm khá mạnh 53% xuống 99.592 hợp đồng. Điểm basis chuyển sang trạng thái dương 1,97 điểm, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá lạc quan. Dù vậy, nhà đầu tư đã hạn chế giao dịch trên thị trường phái sinh khi xu hướng thị trường cơ sở chỉ biến động nhẹ quanh tham chiếu.

Ngày 18/6, hợp đồng F2006 sẽ đáo hạn, dòng tiền sẽ dịch chuyển dần sang hợp đồng F2007. Tuy nhiên, điểm basis của hợp đồng này khá rộng phản ánh tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Diễn biến giằng co có thể còn tiếp diễn trong phiên ngày mai. Dù vậy, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, xu hướng chủ đạo vẫn là điều chỉnh. Nhà đầu tư nên ưu tiên vị thế quan sát trong giai đoạn hiện tại.

Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng