Hầu hết các sản phẩm thực phẩm hiện nay đều được gắn mã vạch, đồng thời nhiều doanh nghiệp cũng đã cung cấp các ứng dụng để truy xuất, tuy nhiên vẫn không nhiều người tiêu dùng thật sự quan tâm và hiểu hết ý nghĩa của vấn đề truy xuất.
Tại Việt Nam, nhận thức được vai trò của truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với doanh nghiệp và người dân, cuối năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành quy định về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Theo văn bản này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh.
Đây là việc hết sức cần thiết, tạo ra dòng chảy thông tin từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Với những doanh nghiệp làm ăn bài bản, để xây dựng thương hiệu thì nhất thiết phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc và chứng minh bằng được với người tiêu dùng rằng sản phẩm của mình là an toàn.
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có nhiều công ty cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc như: VNPT Check, Vinacheck, Agricheck, Traceverified, Icheck… Tuy nhiên, chính sách quản lý truy xuất nguồn gốc chưa rõ ràng, nhiều doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng hiện chưa hiểu hết ý nghĩa, chưa hiểu đúng bản chất của vấn đề truy xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), vẫn còn chưa có sự thống nhất về nội dung cũng như hình thức giữa các loại tem truy xuất hoặc trong tem truy xuất nguồn gốc chỉ có những thông tin rất giản đơn…, gây nên sự hoài nghi về tính hiệu quả của hệ thống truy xuất nguồn gốc trên thị trường.
Chính vì chưa có sự thống nhất về nội dung truy xuất nên vẫn còn nhiều người tiêu dùng thờ ơ, hoặc thiếu tin tưởng, đó là một phần nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp không mặn mà với việc truy xuất nguồn gốc, bởi nếu áp dụng hệ thống truy xuất thì họ sẽ mất chi phí vận hành, kiểm soát hệ thống trong khi hiệu quả mang lại không như mong muốn. Cũng vì những băn khoăn này, thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc dán tem truy xuất nguồn gốc đến nhà sản xuất và người tiêu dùng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm… Có như vậy thì hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm mới có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo Bảo Linh/Vietq.vn