Để hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU được hưởng các ưu đãi thuế quan trong EVFTA, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ các quy định về xuất xứ hàng hóa mà hai bên đã cam kết tại Hiệp định này.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ví như tuyến đường cao tốc nối Việt Nam với châu Âu, tuy nhiên đó là một con đường không miễn phí và những quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa được xem như những tấm vé lưu hành. Bởi EVFTA quy định các yêu cầu rất nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Do vậy, để hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU được hưởng các ưu đãi thuế quan trong EVFTA thì doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ các quy định mà hai bên đã cam kết tại Hiệp định này.
Cụ thể, EVFTA quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: hàng hóa có xuất xứ thuần túy; hàng hóa được gia công hoặc chế biến đáng kể và quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR). Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép Việt Nam và các nước thuộc EU được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước thành viên khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ EVFTA.
Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhiệm vụ lớn nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu vào EU khi thực thi hiệp định EVFTA là xuất xứ hàng hóa. Hiện nay, Dự thảo Thông tư về xuất xứ hàng hóa đã được hoàn thiện, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân chỉ chờ bấm nút thông qua. Ông Phan Văn Chinh cho biết, cụ thể về một số lợi thế về điều khoản “cộng gộp” trong EVFTA mà doanh nghiệp cần biết để có thể tận dụng được tối đa các lợi thế của hàng hóa, sản phẩm Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.
“Về xuất xứ hàng hóa trong hiệp định EVFTA có điều khoản về cộng gộp đối với một số nước mà các nước đã có FTA đối với EU như Hàn Quốc… thì các nguyên phụ liệu của ngành dệt may là được cộng gộp. Điều này không chỉ có lợi cho Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu dệt may ở một số thị trường cụ thể mà còn có lợi cho cả Hàn Quốc” – ông Phan Văn Chinh nêu ví dụ.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, cùng với việc kịp thời ban hành Thông tư quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU khi hiệp định này có hiệu lực, cũng cần nhanh chóng ban hành Thông tư quy định về quy tắc, xuất xứ hàng hóa từ EU vào Việt Nam.
“Chúng ta ít quan tâm đến điều này nhưng đây là một phần lợi ích cực kỳ lớn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị từ EU làm đầu vào cho sản xuất ở Việt Nam. Bên cạnh đó, làm thế nào để doanh nghiệp có thể hiểu được các quy tắc xuất xứ đó để đáp ứng – mà như đã nói là những quy tắc rất chi tiết, rất phức tạp, rất khó… Chúng tôi rất mong các cơ quan đi đàm phán tăng cường hơn nữa những hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp” – bà Nguyễn Thu Trang nói.
Cùng với việc ban hành Thông tư quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA trong tháng 6/2020, Bộ Công Thương khẳng định sẽ thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA cho các cơ quan, tổ chức cấp C/O để các doanh nghiệp, Hiệp hội nắm bắt được cơ hội cũng như quy trình, thủ tục để có thể sớm tận dụng ngay các cam kết ưu đãi.
Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tăng cường quản lý Nhà nước về công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Theo đó, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, nhằm ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ, ngoài việc thực hiện các chương trình nâng cao năng lực của cơ quan, tổ chức cấp C/O, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để đảm bảo việc thực hiện quy tắc xuất xứ EVFTA.
Theo Thanh Tùng/Vietq.vn