TimoBank vừa có phản hồi về vụ việc một khách hàng phản ánh bị ‘trộm’ thông tin cá nhân và bị ‘gán’ khoản nợ 50 triệu đồng.
Liên quan tới vụ việc nữ khách hàng tại Thanh Hóa phản ánh việc bị “trộm” thông tin cá nhân để đăng ký khoản vay, TimoBank vừa có phản hồi tới khách hàng.
TimoBank cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc tài khoản Timo Bank phát sinh khoản thấu chi Fast Cash cùng với một giao dịch chuyển tiền 50,000,000 VND đến người nhận PHAM THI HANH – Số tài khoản: 11092437 – Tại Ngân hàng ACB mà không phải do chính khách hàng thực hiện, TimoBank đã chuyển tiếp ngay đến các bộ phận đảm nhiệm của Timo VPBank để tiến hành điều tra vụ việc nhằm tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời bảo vệ và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Sau quá trình kiểm tra, Bộ phận Quan hệ Khách hàng VPBank (CRU) cho biết, dựa theo dữ liệu hệ thống và nội dung tin nhắn SMS/email gửi ra cho khách hàng đều thể hiện rằng khách hàng đang thực hiện các giao dịch online như tạo khoản vay thấu chi và thực hiện giao dịch chuyển tiền.
Tuy nhiên, khách hàng lại thực hiện nhập các thông tin tài khoản bao gồm tên đăng nhập (username) và mật khẩu (password) vào link của một website không phải là link chính thức của Ngân hàng số TimoBank. Đồng thời, cung cấp OTP xác thực các giao dịch khởi tạo khoản vay thấu chi Fast Cash và OTP xác thực giao dịch chuyển tiền lên website này. Trong khi đó, nội dung tin nhắn SMS khi gửi mã OTP xác thực giao dịch chuyển tiền đều có cảnh báo khách hàng không được cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, bao gồm cả Ngân hàng.
Do đó, Bộ phận Quan hệ Khách hàng VPBank (CRU) nhận định, có thể khách hàng đã bị lừa đảo để bị chiếm đoạt tiền từ tài khoản thông qua việc lừa cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản TimoBank lên website giả mạo.
“TimoBank khuyến nghị bạn nên thực hiện khai báo trực tiếp cho cơ quan điều tra tại PA05 – 55 Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để được tiếp nhận và điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian trả kết quả thuộc về phía nghiệp vụ của cơ quan điều tra này và TimoBank sẵn sàng phối hợp cung cấp các chứng từ cũng như thông tin giao dịch liên quan đến số tiền bị lừa đảo để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng”, thư phản hồi của TimoBank tới khách hàng tên H. nêu rõ.
Cũng theo TimoBank, vào ngày 04/05/2020, Timo đã thực hiện gửi yêu cầu hỗ trợ thu hồi sang Ngân hàng thụ hưởng ACB sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của khách hàng. Phía Ngân hàng ACB đã tra soát tuy nhiên không thành công. Tiền trên tài khoản thụ hưởng đã không còn trong vòng vài phút sau khi được báo có. ACB đã liên lạc nhiều lần nhưng không liên hệ được chủ tài khoản.
Về phía khách hàng, chị H.K.H. cho biết, phía Ngân hàng đã có thông báo yêu cầu chị H. phải thanh toán số tiền nợ để không chuyển thành nợ quá hạn. Chị H. tỏ ra rất bức xúc khi bản thân không thực hiện yêu cầu vay thấu chi và chuyển khoản nào.
Trước đó, trong bài viết “Không làm thủ tục vay tiền qua Timo Bank, khách hàng tự dưng ôm khoản nợ 50 triệu đồng”, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã đề cập tới vụ việc bạn đọc có tên H.K.H. (Thanh Hóa) phản ánh về việc bị “trộm” thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ Timo Bank.
Cụ thể, theo chị H., vào hồi 8h35 phút ngày 4/5/2020, chị nhận được mail thông báo đã đăng ký thành công chương trình khoản vay thấu chi với mức hạn là 50.000.000đ (50 triệu đồng). Ban đầu, do nghĩ rằng đây là chương trình khuyến mại dành cho khách hàng lâu năm nên chị này không để ý.
Tuy nhiên, vào thời điểm 8h54 phút cùng ngày, chị H. nhận được thông báo từ appp Timo Bank cho thấy tài khoản bị trừ 50 triệu đồng. Sau khi tra cứu giao dịch, chị H. thấy số tiền trên chuyển vào tài khoản ngân hàng ACB, có thông tin STK là 1109xxxx- PHAM THI HANH. Ngay lập tức, chị H. đã liên hệ với Ngân hàng VPBank để khoá tài khoản cá nhân và tra cứu, truy suất tài khoản người nhận.
“Tôi chưa từng ký hay xác nhận bất cứ văn bản nào về việc vay tín chấp hay vay thấu chi với số tiền 50 triệu đồng hoặc tương tự như thế. Từ trước đến nay tài khoản Timo của tôi chưa có chức năng như trên, chỉ có thể giao dịch được với số dư có sẵn trong tài khoản”, chị H. bức xúc nói.
Cũng theo chị H., vào ngày 5/5/2020, chị ra phòng giao dịch chi nhánh VPBank tại 127 Lò Đúc để truy cứu thông tin liên quan. Tại đây, một kiểm soát viên Timo Bank tên Đào Thu Phương đã cung cấp cho chị số phụ kiểm phiếu báo nợ, báo có xác thực những thông tin mà app Timo cung cấp.
Tới ngày 12/5, Timo Bank gửi email phản hồi tới chị H. về vụ việc. Trong email, Timo Bank cho biết, liên quan đến yêu cầu hỗ trợ hoàn tiền với số tiền 50.000.000 VND, vào ngày 04/05/2020, VPBank đã chuyển tiếp Thông báo hỗ trợ thu chính xác sang Ngân hàng thụ hưởng theo đúng nội dung tra soát của khách hàng qua hệ thống NAPAS. Tuy nhiên, Timo lưu ý đây chỉ là yêu cầu hỗ trợ, việc xử lý yêu cầu này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quy trình xử lý của Ngân hàng thụ hưởng và sự đồng thuận của chủ tài khoản thụ hưởng. Chỉ khi được sự đồng thuận của chủ tài khoản thụ hưởng, Ngân hàng thụ hưởng mới được phép ghi nợ tài khoản hưởng và chuyển trả về VPBank.
VPBank cũng khẳng định, trường hợp phía Ngân hàng thụ hưởng hoàn trả lại cho VPBank, VPBank sẽ thực hiện hạch toán tự động hoàn tiền lại vào tài khoản của chị H. trong ngày làm việc sau khi nhận thông báo từ ngân hàng thụ hưởng.
Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), chị H. một lần nữa khẳng định, chị không hề ký hay làm bất cứ đề nghị nào liên quan tới việc vay thấu chi với VPBank và App Timo. Chị H. cũng không hề đề nghị hay làm lệnh chuyển tiền với số tiền 50.000.000đ tới tài khoản ngân hàng ACB có thông tin STK là 1109xxxx- PHAM THI HANH.
Chị H. đặt nghi vấn về việc tại sao những thông tin cá nhân của chị lại bị sử dụng một cách dễ dàng vào những dịch vụ mà chị không trực tiếp đăng ký hay yêu cầu thực hiện. Liệu có phải Timo Bank đã làm lộ thông tin cá nhân của chị? Chị H. cho biết rất bức xúc khi tự dưng có một khoản nợ 50 triệu đồng tự động “rơi vào đầu”.
“Tôi đề nghị Timo Bank làm rõ một số vấn đề. Một là khoản vay thấu chi 50 triệu đồng được cấp theo hình thức như thế nào, tài liệu nào chứng minh tôi là người đề nghị cấp số tiền này? Hai là những thông tin cá nhân nào của tôi đã được sử dụng để được cấp khoản tiền này. Thông tin cá nhân, CMND của tôi được lấy từ nguồn nào? Trong các tài liệu về việc đề nghị vay (nếu có) có chữ ký của tôi, xác nhận của tôi hay không?”, chị H. đặt nghi vấn.
Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!
Theo Phong Lâm/Vietq.vn