NHNN sẽ bổ sung chính sách thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19

  1. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng sẽ điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng, tích cực hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Ngày 29-5, Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại TP HCM nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức tại TP HCM.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết qua hơn 2 tháng triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp bị tác động của dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ gần 1,14 triệu tỉ đồng.

Các tổ chức tín dụng cũng cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1 đến nay đạt trên 767.000 tỉ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5 điểm % so với trước dịch…

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, thời gian qua NHNN vẫn nhận được một số kiến nghị, phản ánh về việc khó tiếp cận chính sách tháo gỡ khó khăn hoặc không được vay mới… Tại hội nghị, đại diện cho các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn TP cũng chia sẻ vấn đề này.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP HCM, dẫn ý kiến của một số doanh nghiệp là thành viên phản ánh thủ tục, hồ sơ để được miễn, giảm lãi vay; cơ cấu lại nợ; giãn nợ còn phức tạp. Để được hưởng ưu đãi về vốn vay mới, về giảm lãi suất, doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại trong sản xuất – kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận… Do đó, số lượng doanh nghiệp trong hội được hỗ trợ là rất ít.

Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị giảm thêm lãi vay, tăng hạn mức cho vay mới để vượt khó trong giai đoạn này. Ảnh: Linh Anh

“Ngành lương thực, thực phẩm có tính chất mùa vụ, dịp Tết Nguyên đán hằng năm doanh thu bán hàng của ngành tăng từ 30%-50% nên để chứng minh doanh thu sụt giảm so với thời điểm Tết là rất khó. Các doanh nghiệp trong ngành phải cam kết bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu trong dịch và không được tăng giá, nguyên vật liệu dự trữ trong 3-6 tháng cũng đem ra sản xuất, giờ khó tiếp cận được vốn ưu đãi để mua nguyên liệu sản xuất cho mùa vụ mới” – bà Lý Kim Chi phản ánh.

Do đó, Hội Lương thực – thực phẩm TP kiến nghị rất cần sự hỗ trợ của NH thương mại về vốn với lãi suất ưu đãi để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, ưu tiên các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhưng cũng cần tập trung hỗ trợ cả những ngành trọng yếu như lương thực, thực phẩm.

Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, cũng cho rằng các chính sách hỗ trợ của ngành NH cần đồng hành với cả doanh nghiệp khỏe để tiếp tục phát triển.

“Trong dịch, vẫn có nhiều doanh nghiệp duy trì ổn định, hoạt động tốt nhưng đến thời điểm này bắt đầu bị ảnh hưởng. Do đó, ngành NH cũng cần có chính sách hỗ trợ toàn diện hơn thay vì chỉ tập trung vào giúp những doanh nghiệp “bệnh nặng, chết lâm sàng” mà quên những doanh nghiệp lớn đang tiếp tục mở đường” – ông Trần Việt Anh đề xuất.

Trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nhận định những chính sách của NHNN trong khắc phục khó khăn của doanh nghiệp bị tác động dịch covid-19 được thực hiện rất sớm. Đến nay, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định để hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp về thời hạn giãn, hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn hay việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay mới…

Các NH thương mại cũng khẳng định đang tích cực triển khai quy định về hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp về miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ, cho vay mới ưu đãi. Tuy nhiên, quá trình cho vay vẫn tuân thủ quy định, không hạ chuẩn để cho vay và kiểm soát để tránh trục lợi bởi đã là chính sách thì phải có điều kiện áp dụng…

“Quan điểm là ngành NH sẽ thực hiện thông thoáng hơn nữa nhưng vẫn bảo đảm hành lang pháp lý, không để nợ xấu tái diễn và an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Chúng ta không phải chỉ quan tâm đến những doanh nghiệp khó khăn, yếu kém mà cả doanh nghiệp khỏe có khả năng bứt phá để phát triển cũng cần sớm được hỗ trợ” – ông Đào Minh Tú nói.

 

Theo Thái Phương/Báo Người lao động