Nguồn cung cà phê trong nước hạn chế là nguyên nhân khiến giá cà phê tại thị trường trong nước tăng kể từ đầu tháng 5/2020.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nguồn cung cà phê trong nước hạn chế là nguyên nhân khiến giá cà phê tại thị trường nội địa tăng kể từ đầu tháng 5/2020. Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến sản lượng cà phê tại khu vực Tây Nguyên.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê tháng 4 vừa qua đạt 165,8 nghìn tấn, trị giá 279,83 triệu USD, giảm 2,5% về lượng và giảm 5,1% về trị giá so với tháng 3/2020, nhưng so với tháng 4/2019 tăng 15,4% về lượng và tăng 15,3% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê đạt 682,8 nghìn tấn, trị giá 1,148 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng và tăng 5,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 4, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.688 USD/tấn, giảm 2,7% so với tháng 3/2020 và giảm 0,1% so với tháng 4/2019. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.682 USD/tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo dự báo của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), lượng tiêu thụ cà phê thế giới năm 2020 sẽ giảm khoảng 0,95% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mặc dù cà phê thế giới niên vụ 2019/2020 thặng dư khoảng 8 triệu bao, tương đương 480.000 tấn, nhưng lượng tồn kho thế giới đang giảm xuống đáng kể. Tồn kho cà phê Arabica giảm xuống mức thấp nhất chỉ còn 1.848 triệu bao, tương đương 110.000 tấn, tồn kho cà phê Robusta giảm còn 138.000 tấn.
Thông tin một số nước tiêu thụ lớn như Mỹ, EU muốn ngừng lệnh giãn cách xã hội cũng tạo động lực cho các nhà nhập khẩu gia tăng trở lại.
Tuy vậy, sức ép bán hàng vụ mới gia tăng mạnh từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil làm giá cà phê thế giới cũng như cà phê trong nước sẽ còn trì trệ kéo dài cho tới hết niên vụ cà phê 2019/2020 bởi dịch bệnh vẫn đang tác động mạnh khiến kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái./.