Các ngân hàng đang có xu hướng rút lượng lớn tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác để bù đắp thanh khoản thiếu hụt từ tiền gửi của khách hàng.
Báo cáo tài chính quý I của hơn 10 nhà băng công bố đến nay ghi nhận xu hướng sụt giảm mạnh ở khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác trong cùng hệ thống.
Theo đó, lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tiền, vàng gửi tại các TCTD khác đã sụt giảm từ vài trăm tỷ tại ngân hàng nhỏ cho tới hàng chục nghìn tỷ tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank.
Rút mạnh tiền gửi tại NHNN
Ởmục tiền các ngân hàng thương mại gửi tại NHNN, VIB là nhà băng ghi nhận con số cắt giảm lớn nhất với tỷ lệ giảm 84% giá trị tiền gửi tại đây. Hồi đầu năm, giá trị tiền gửi của nhà băng này tại NHNN vào khoảng 19.040 tỷ đồng, nhưng đến cuối quý I con số đã giảm xuống còn 2.982 tỷ, tương đương chưa tới 1/6 so với đầu năm.
Cùng diễn biến, giá trị tiền gửi tại NHNN của TPBank và VPBank trong 3 tháng đầu năm cũng giảm hơn 58%. Tương tự, LienVietPostBank, MBBank, SeABank và Vietcombank cũng ghi nhận con số tiền gửi tại NHNN giảm hơn một nửa chỉ trong quý I.
Nếu xét về số giảm tuyệt đối, Vietcombank là nhà băng rút tiền khỏi NHNN lớn nhất từ đầu năm với hơn 18.114 tỷ, giảm 52%.
Trong các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, ACB và Vietinbank là hai nhà băng hiếm hoi không ghi nhận xu hướng này khi lượng tiền gửi tại NHNN của 2 ngân hàng vẫn tăng lần lượt 22% và 1% so với đầu năm.
Tiền gửi tại NHNN |
Tiền gửi tại các TCTD khác |
|||
Ngân hàng |
Tăng/giảm |
Tỷ lệ |
Tăng/giảm |
Tỷ lệ |
Vietcombank |
-18.114 |
-52% |
-65.665 |
-35% |
VIB |
-16.058 |
-84% |
1.619 |
56% |
MBBank* |
-7.584 |
-53% |
8.102 |
20% |
TPBank |
-4.511 |
-58% |
1.230 |
6% |
LienVietPostBank |
-3.269 |
-49% |
-1.599 |
-17% |
VPBank |
-2.014 |
-58% |
-6.419 |
-41% |
SeABank |
-1.680 |
-52% |
-7.885 |
-33% |
Sacombank |
-683 |
-6% |
-4.683 |
-37% |
Vietinbank |
283 |
1% |
-1.478 |
-1% |
ACB |
2.251 |
22% |
1.429 |
7% |
(*): Số liệu tiền gửi tại các TCTD khác của MBBank bao gồm cả cho vay.
Ngoài việc rút lượng lớn tiền gửi tại NHNN, các ngân hàng cũng có xu hướng rút tiền khỏi các TCTD khác cùng hệ thống.
Trong đó, VPBank đã rút 41% lượng tiền gửi tại các TCTD khác, tương đương hơn 6.400 tỷ từ đầu năm.
Con số tại Vietcombank thậm chí lên tới 65.665 tỷ đồng khi ngân hàng này giảm tới 35% lượng tiền gửi tại các TCTD khác trong hệ thống đầu năm. Đây cũng là con số rút tiền gửi ròng trong một quý lớn nhất mà nhà băng này ghi nhận trong nhiều năm qua.
Xu hướng tương tự cũng ghi nhận tại các ngân hàng như SeABank, Sacombank cùng trên 30%.
Ngược lại với việc rút tiền khỏi NHNN, VIB từ đầu năm lại mang thêm hơn 1.600 tỷ đi gửi tại các TCTD khác trong hệ thống.
Số ít nhà băng mang thêm tiền đi gửi tại các TCTD khác từ đầu năm là MBBank, tăng thêm 8.100 tỷ, tăng 20% (bao gồm cả các khoản cho vay); Kienlongbank tăng 1.600 tỷ (16%); ACB tăng 1.400 tỷ (7%); TPBank tăng 1.230 tỷ (6%).
Đằng sau động thái rút tiền gửi
Việc các ngân hàng giảm lượng tiền gửi tại các TCTD khác kéo theo chỉ số tiền các TCTD gửi tại ngân hàng (thuộc nợ phải trả) trên bảng cân đối kê toán giảm theo trong quý I.
Trong đó, ACB là ngân hàng đứng ngoài xu hướng cắt giảm tiền gửi tại NHNN và tiền gửi tại TCTD khác nhưng lại ghi nhận lượng tiền các TCTD khác gửi tại nhà băng này giảm mạnh trong quý I. Theo đó, con số giảm tại nhà băng này lên tới 7.923 tỷ, tương đương giảm 48%.
Vietcombank và Vietinbank là 2 nhà băng có lượng tiền các TCTD gửi giảm mạnh nhất từ đầu năm. Trong đó, lượng tiền các TCTD khác gửi tại Vietcombank đã giảm từ hơn 71.000 tỷ xuống 42.500 tỷ đồng, tương đương mức giảm 40%. Đà giảm tại Vietinbank cũng là hơn 10.000 tỷ, xấp xỉ 12% tổng giá trị tiền các TCTD khác gửi tại ngân hàng này hồi đầu năm.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại SeABank, LienVietPostBank, VPBank… khi các TCTD khác đã rút hàng nghìn tiền gửi khỏi các nhà băng này.
MBBank là một trong số ít ngân hàng ghi nhận lượng tiền các TCTD gửi vào ngân hàng tăng mạnh. Trong đó, con số này đã tăng trên 19.427 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 39%. Hiện tổng giá trị tiền các TCTD gửi tại ngân hàng này đạt trên 69.700 tỷ, cao hơn cả Vietcombank là khoảng 42.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số tăng đột biến tại MBBank là có lý do khi lượng tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này đã giảm mạnh gần 32.000 tỷ (11,7%) từ đầu năm. Trong khi cùng kỳ con số ghi nhận tăng 2.288 tỷ đồng.
MBBank cũng là ngân hàng có số lượng tiền gửi của khách hàng giảm mạnh nhất từ đầu năm. Đây là nguyên nhân khiến nhà băng này phải rút tiền gửi khỏi NHNN và tăng huy động tiền gửi, đi vay từ các TCTD khác để bù vào phần thiếu hụt nói trên.
Số liệu cũng ghi nhận những ngân hàng càng huy động được ít tiền gửi từ khách hàng trong quý I lại có xu hướng rút mạnh tiền gửi tại NHNN và các TCTD khác để bổ sung.
Như tại Vietcombank, tăng trưởng huy động tiền gửi khách hàng quý I chỉ là 5.600 tỷ, tăng 0,6% so với đầu năm. Trong khi con số huy động thêm cùng kỳ năm 2019 là hơn 36.000 tỷ, tăng 4,5%.
Tương tự là SeABank, LienVietPostBank, Vietinbank… đều ghi nhận xu hướng huy động tiền gửi từ khách hàng sụt giảm.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng đang phải tung ra nhiều gói tín dụng quy mô lớn với lãi suất ưu đãi. Để đáp ứng nguồn vốn hàng trăm nghìn tỷ này, các ngân hàng cũng phải tự cân đối thanh khoản và nguồn tiền để sẵn sàng bơm ra thị trường.
Theo Quang Thắng/Zingnews.vn