Trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi suy giảm, Thaco ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường lên tới gần 2.200 tỷ đồng đến từ giao dịch mua rẻ dự án bất động sản HAGL Myanmar.
Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2019 đã qua kiểm toán với doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong năm vừa qua, nhà sản xuất và lắp ráp ôtô này ghi nhận 56.508 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 2.600 tỷ so với cùng kỳ, tương đương mức giảm 4,4%.
Nguyên nhân khiến nhà sản xuất này sụt giảm hàng nghìn tỷ doanh thu là nhiều hoạt động kinh doanh chính gặp khó khăn. Trong đó, doanh thu bán xe các loại giảm hơn 6%, mang về hơn 46.300 tỷ; doanh thu từ bất động sản giảm 70%, chỉ đạt 1.908 tỷ đồng.
Ngược lại, doanh thu từ cung cấp dịch vụ tăng hơn 2 lần, đóng góp 5.383 tỷ vào doanh thu hợp nhất. Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp hãng sản xuất và lắp ráp ôtô này ghi nhận được là 9.869 tỷ, giảm gần 16%. Mức con số này, biên lãi gộp năm 2019 của Thaco chỉ đạt 17,5% trong khi năm 2018 là 19,9%.
Hoạt động tài chính trong cả năm vừa qua mang về cho công ty này 841 tỷ đồng, tăng 23% nhưng chi phí phải bỏ ra lên tới 2.255 tỷ, tăng 43%, trong đó số tăng chủ yếu đến từ chi phí lãi vay với mức tăng gần 2,5 lần.
Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong năm cũng tăng 2 chữ số so với năm liền trước khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính của Thaco chỉ đạt 3.386 tỷ đồng, giảm hơn 50%.
Tuy vậy, lợi nhuận trước và sau thuế của nhà sản xuất này ghi nhận được trong năm vừa qua chỉ giảm chưa đến 20%.
Nguyên nhân chính đến từ khoản lợi nhuận bất thường gần 2.200 tỷ đồng đóng góp trực tiếp vào kết quả lợi nhuận trước và sau thuế. Đây chính là lợi nhuận phát sinh từ giao dịch mua rẻ Công ty CP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (chủ sở hữu dự án bất động sản Khu phức hợp HAGL Myanmar của bầu Đức trước đó).
Kết quả, Thaco ghi nhận 5.571 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 20%. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 5.368 tỷ.
Trong giao dịch mua rẻ nói trên, theo đánh giá của Thaco, tổng giá trị tài sản thuần của HAGL Myanmar tại ngày mua là hơn 9.800 tỷ, nhưng công ty chỉ phải chi ra 5.641 tỷ đồng để hợp nhất kinh doanh.
Sau khi trừ đi phần thuế thu nhập hoãn lại và lợi ích của cổ đông không kiểm toán, Thaco ghi nhận khoản lãi mua rẻ lên tới 2.080 tỷ đồng, tương đương 37% tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2019.
Ngoài giao dịch mua lại dự án bất động sản tại Myanmar của bầu Đức, trong năm 2019 vừa qua, Thaco cũng chi ra hàng chục nghìn tỷ để mua lại các công ty khác từ ông bầu phố núi.
Trong đó, Thaco thông qua công ty con Thadi đã chi hơn 7.600 tỷ để mua lại 3 công ty con của HAGL Agrico trong mảng cao su là Cao su Đông Dương, Cao su Trung Nguyên và Công ty Đông Pênh. Ước tính, nhóm công ty này quản lý gần 22.500 ha cao su và đất nông nghiệp tại Campuchia, Lào và tỉnh Gia Lai.
Cũng trong năm này, Thaco đã trở thành cổ đông lớn nắm giữ 26,29% cổ phần tại HAGL Agrico.
Với các giao dịch hợp nhất kinh doanh này, tổng tài sản của Thaco đến cuối năm 2019 đã ở mức 107.000 tỷ , tăng 43% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng 24%, chiếm 34.770 tỷ (gần một nửa là bất động sản); tài sản cố định tăng tăng gấp đôi, chiếm hơn 24.100 tỷ; chi phí xây dựng dở dang tăng 72%, chiếm trên 11.100 tỷ đồng…
Để cân đối với tài sản gia tăng, nợ phải trả của Thaco cũng tăng từ gần 43.700 tỷ hồi đầu năm lên 67.500 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn tăng 31% và dài hạn tăng 329%, lần lượt ở mức 29.153 tỷ và 11.234 tỷ đồng cuối năm. Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp tăng 2,4% trong năm.
Theo Quang Thắng/Zingnews.vn