Tại TP HCM, quý I/2020, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 3,5%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ. Trong khi nguồn cung và lượng giao dịch đều suy giảm.
Đặc biệt, trong 2 quý cuối năm 2019, các chỉ tiêu của thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước: lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40%.
“Nguyên nhân cơ bản do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, ách tắc trong việc cấp phép mới dự án, tín dụng bất động sản bị siết chặt và sự suy giảm của các ngành dịch vụ – du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020” – Bộ Xây dựng đánh giá nguyên nhân và dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm so với những năm trước đây cả về lượng giao dịch lẫn nguồn cung.
Ngoài ra, hiện nay, thị trường còn tồn tại nhiều điểm bất hợp lý. Chẳng hạn, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng 20%-30% nhưng nguồn cung dư thừa; còn nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70%-80% thì lại thiếu nguồn cung.
Trong năm 2019, xuất hiện tình trạng giá đất nền tăng cao tại một số địa phương và tình trạng một số dự án không đủ cơ sở pháp lý được thực hiện giao dịch, mua bán. “Tình trạng này tuy chưa ảnh hưởng lớn nhưng là nguy cơ gây bất ổn đối với thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội” – báo cáo nhận xét.
Về giá, tính đến hết quý I/2020, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019; nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ. Tại TP HCM, căn hộ tăng giá khoảng 3,5%; nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ. “Giá bất động sản, nhất là giá nhà ở, chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân; giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính” – báo cáo nêu thực trạng thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, sau khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ đã giải ngân hết, từ cuối tháng 12-2016 đến nay, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội bị ách tắc. Hậu quả là 221 dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.
Bộ Xây dựng kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống công cụ để quản lý, kiểm soát sự phát triển của thị trường bất động sản theo hướng ổn định, bền vững; chủ động xây dựng các kịch bản và các giải pháp để điều tiết, kiểm soát, bình ổn thị trường.