Với các chính sách hỗ trợ lãi suất, cơ cấu giãn nợ và gói tín dụng nhiều ưu đãi, các ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua tình hình dịch bệnh khó khăn.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng không nhỏ, hoạt động kinh doanh bị đình trệ, thậm chí nhiều nơi phải đóng cửa hoàn toàn. Trước bối cảnh này, các ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó.
Không bị bỏ lại phía sau
“Chúng tôi không cảm thấy cô đơn, không bị bỏ lại phía sau” là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Tổng giám đốc Công ty Paris Gâteaux Việt Nam – một trong những khách hàng được VietinBank cơ cấu giãn nợ, giảm lãi suất.
Bà Tâm cho biết, khi dịch bệnh xảy đến bất ngờ thì Paris Gâteaux cũng như các doanh nghiệp dịch vụ khác chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, công ty bà đã nhận được sự hỗ trợ của VietinBank với các chính sách hỗ trợ lãi suất, cơ cấu giãn nợ và gói tín dụng mới nhiều ưu đãi.
Ngân hàng này đã cùng Paris Gâteaux lên phương án tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Việc giải ngân, giảm lãi hay cơ cấu nợ được ngân hàng thực hiện bài bản, tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan và thời gian phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, doanh nghiệp này còn được VietinBank hỗ trợ tư vấn các giải pháp kênh giao dịch online và chính sách phí ưu đãi.
“Đây là nguồn tiếp sức rất lớn và quan trọng giúp doanh nghiệp chúng tôi vượt qua khó khăn, yên tâm ổn định kinh doanh cho hơn 30 cửa hàng và đảm bảo công ăn việc làm cho gần 500 lao động”, bà Tâm chia sẻ.
Công ty Golden Gate – đơn vị có hệ thống hơn 300 nhà hàng tại Việt Nam với 15.000 nhân viên – cũng đối mặt với không ít khó khăn. Ông Hoàng Quốc Khánh – Giám đốc Khối Vận hành Công ty Golden Gate cho hay dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành nghề đặc biệt là ngành hàng ăn uống. Các nhà hàng của công ty này đều đang đóng cửa, khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, công ty đang chủ động tìm nguồn doanh thu thông qua phát triển kênh bán hàng online và nhận được sự chung tay của nhiều đối tác.
“Chúng tôi rất cảm kích với sự hợp tác của VietinBank. Ngân hàng đã có những động thái cụ thể, hỗ trợ nhanh chóng các hoạt động của chúng tôi với cơ cấu thời hạn trả nợ cho khoản vay gần 200 tỷ đồng và giảm lãi suất cho khoản vay này”, ông Khánh nói.
Ông Khánh hy vọng sau ngày 15/4 tình hình dịch bệnh sẽ khả quan hơn. Lúc này các doanh nghiệp rất cần “cú hích”, mà quan trọng nhất là “cú hích” về tài chính. Golden Gate mong muốn VietinBank sẽ hỗ trợ tiếp các khoản vay mới với ưu đãi hợp lý.
Sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực
Sau hơn 2 tuần triển khai Thông tư 01 của NHNN, các NHTM đã giải ngân khoảng 100.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Gần một nửa số tiền của chương trình hỗ trợ đã đến tay các doanh nghiệp kịp thời.
Chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Vinh – Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết: “Các khách hàng bị ảnh hưởng tạm thời bởi Covid-19 và có phương án sản xuất kinh doanh phục hồi ngay khi hết dịch sẽ được VietinBank cơ cấu nợ và hỗ trợ lãi suất. Thời gian xử lý hồ sơ cơ cấu nợ, miễn giảm lãi được đẩy nhanh, triển khai kịp thời, bảo đảm duy trì nhóm nợ theo quy định để không ảnh hưởng đến uy tín, lịch sử giao dịch của khách hàng”.
Từ 23/1 đến 27/3, VietinBank đã cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2% dư nợ của ngân hàng.
Ngoài ra, cũng trong thời gian này, ngân hàng này đã kịp thời xem xét cho khách hàng vay mới để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính từ 23/1 đến 27/3, ngân hàng đã giải ngân cho 2.020 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 với doanh số là 54.858 tỷ đồng.
Để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, ngân hàng đã thúc đẩy phát triển mạnh các kênh giao dịch trực tuyến bên cạnh các kênh giao dịch tại quầy. Ngân hàng cung cấp đa kênh thanh toán không dùng tiền mặt, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tại các kênh Internet Banking, eFAST, Fax, email, We-transfer…
VietinBank còn thực hiện chính sách miễn giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng nhanh 24/7 đối với giao dịch giá trị nhỏ qua NAPAS trên iPay Mobile, nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (mức phí giảm từ 9.900 đồng/giao dịch xuống 7.700 đồng/giao dịch).
Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại được ngân hàng miễn giảm phí tối đa lên tới 100% so với quy định hiện hành. Chính sách này hiện tại hỗ trợ hơn 3.000 khách hàng doanh nghiệp đang có giao dịch thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại tại VietinBank.
Theo Thái Trà/Zing news