Đường xuất khẩu vào châu Âu càng gần hơn

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chủ động rà soát, triển khai ngay việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi EVFTA

Hội đồng châu Âu (EC) ngày 30-3 đã quyết định thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) sau khi hiệp định được Nghị viện EU phê chuẩn hôm 12-2. Đây là bước pháp lý cuối cùng theo thủ tục phê chuẩn nội bộ của EU để hiệp định có hiệu lực.

Gấp rút chuẩn bị

Về phía Việt Nam, hiện hiệp định chỉ cần được Quốc hội phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của hiệp định (dự kiến 30 ngày) là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.

Đường xuất khẩu vào châu Âu càng gần hơn - Ảnh 1.
Xuất khẩu thủy sản sang EU hứa hẹn nhiều triển vọng sau khi EVFTA có hiệu lực Ảnh: Ngọc Trinh.

Thông tin với báo chí ngày 31-3, Bộ Công Thương cho biết cơ quan này đã và đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các thủ tục trình phê chuẩn EVFTA. Theo đó, ngày 21-2 vừa qua, Bộ Công Thương trình Chính phủ bộ hồ sơ về việc phê chuẩn hiệp định. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, ngày 24-3, bộ đã trình Thủ tướng dự thảo bộ hồ sơ của Chính phủ, để Thủ tướng trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định trình Quốc hội phê chuẩn.

“Theo kiến nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chủ động rà soát, triển khai ngay việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi hiệp định. Bộ cũng đã chủ động ban hành kế hoạch của bộ về việc triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi hiệp định từ nay cho đến khi hiệp định chính thức có hiệu lực” – Bộ Công Thương cho biết.

EVFTA đi vào thực thi được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD, theo các tính toán trước đây. Đối với xuất khẩu, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Bảy năm tiếp theo, sẽ tăng lên 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu là 0%. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định thương mại đã được ký kết. Ngược lại, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU sang Việt Nam). Sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế (tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU) được Việt Nam xóa bỏ.

Tín hiệu lạc quan trong mùa dịch

Dù có phần không thật sự thuận lợi khi những bước cuối cùng hoàn tất EVFTA diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại EU và Việt Nam nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu vẫn đánh giá đây là thông tin có tác động tốt về mặt tâm lý trong bối cảnh nền kinh tế bị đình trệ. Ông nói: “Một hiệp định có tầm cỡ như EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra những thị trường lớn và mới mẻ cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Ngoài lạc quan về mặt tâm lý, hiệp định cũng là cột mốc đánh dấu vị trí của Việt Nam trong mối quan hệ địa – chính trị toàn cầu”.

Tuy nhiên, về thực tế, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nền kinh tế EU đang “co cụm” do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nên dù hiệp định sẽ sớm có hiệu lực nhưng Việt Nam chưa thể trông chờ sẽ có sự tác động nhanh và mạnh mẽ. Tình hình dịch bệnh đang khó kiểm soát và các quốc gia đều đang dồn sức chống dịch nên trước mắt phải đợi dịch qua đi, nền kinh tế hồi phục, Việt Nam mới khai thác được hiệp định này một cách hiệu quả nhất. “Rất đáng tiếc khi cả thế giới đang trong giai đoạn phát triển tốt từ năm 2010 đến 2019, trừ một vài điểm nóng, với ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng 3% thì phải đối mặt với đại dịch. Trước tác động của dịch, trong kịch bản lạc quan nhất, tăng trưởng toàn cầu chỉ còn 2% và ở kịch bản tồi tệ nhất là sẽ tăng trưởng âm. Riêng EU, kịch bản lạc quan nhất cũng chỉ đưa ra mức tăng trưởng 1% và các quốc gia có xu hướng bảo hộ thương mại. Dự đoán, trong 2 năm 2020 – 2021, tác động tích cực từ EVFTA với Việt Nam chưa thật sự nhiều” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Cũng theo ông Hiếu, trong lúc chờ đợi thời cơ tận dụng hiệp định, Việt Nam cần nỗ lực xây dựng và quảng bá thương hiệu “Made in Vietnam” bởi hiện nay, EU chưa biết nhiều đến thương hiệu Việt. Đồng thời, cần nỗ lực thay đổi, cải thiện về mặt thể chế, chính sách để phù hợp với các thỏa thuận trong hiệp định; kế thừa tốt những thay đổi về mặt pháp luật từ CPTPP như lao động, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

Ở góc độ DN, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang, nhìn nhận với ngành thủy sản, có thể tận dụng được cơ hội từ EVFTA nếu như kiểm soát được dịch bệnh trong quý II/2020. “Thuế dành cho thủy sản xuất khẩu sang EU chưa giảm nhiều trong giai đoạn đầu nhưng vẫn có thể tiêu thụ tốt sản phẩm Việt Nam tại thị trường này bởi chất lượng khá tốt và giá rẻ. Triển vọng xuất khẩu thủy sản sang EU trong năm 2021 cũng khá tốt” – ông Văn lạc quan.

Trụ qua đại dịch mới mong hưởng lợi

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho hay các DN trong ngành đã giảm khối lượng sản xuất còn 50% do vừa khó khăn về nguồn cung nguyên liệu vừa thiếu đầu ra. Đặc biệt, 2 thị trường lớn của ngành dệt may là EU và Mỹ đã giảm nhận đơn hàng. Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu của DN ngành dệt may đang bị chi phối bởi dịch bệnh nên chưa thể tận dụng ngay được thời cơ từ EVFTA.

"DN nào cố gắng sinh tồn được qua đại dịch thì mới có cơ hội hưởng lợi ích từ EVFTA. Song, đây vẫn là thông tin tốt để DN có động lực hồi phục sau dịch, cũng là cơ hội tốt cho nền kinh tế Việt Nam" - ông Hồng nói.

Theo PHƯƠNG NHUNG/Người lao động