Categories Thị trường

Hàng loạt sàn thương mại điện tử rời cuộc đua, lo hay mừng?

Sau Adayroi tạm dừng hoạt động ít ngày, Lotte.vn vừa ra thông báo sẽ ngừng kinh doanh từ 20/2/2020. Hai “ông lớn” này không phải là những cái tên duy nhất phải rời cuộc đua” đốt tiền” của chủ đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử ( TMĐT). Tín hiệu ấy lo hay mừng?

Trong thông báo phát đi hôm qua, Lotte.vn cho biết sẽ hoàn tất công nợ với các đối tác và nhà bán hàng trước ngày 20/2/2020. Sau ngày này, mọi khiếu nại sẽ không được giải quyết. Lotte.vn lý giải, nguyên nhân ngừng hoạt động là sự thay đổi trong kế hoạch kinh doanh. Đó cũng là lý do mà Adayroi thông báo dừng “để thay đổi”.

Cho đến nay từ các ông lớn như Tiki, Lazada cho đến hàng loạt sàn TMĐT vừa và nhỏ chưa có sàn nào thông báo có lãi dù mới hay ra đời đã lâu tại thị trường Việt Nam. Thay vào đó là số lỗ mà chỉ còn một vài tên tuổi chịu nổi.

Nếu như năm 2015-2016, mức lỗ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm của Lazada đã gây choáng váng trong ngành thì giờ đây cả Lazada và đối thủ nặng ký nhất là Shopee đều đã lỗ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng/năm. Năm 2016, mức lỗ của top 4 ngành TMĐT chỉ có 1.700 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng gấp đôi lên 3.400 tỷ và năm 2018 tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 5.100 tỷ đồng. Cuộc đua “đốt tiền” ấy dường như chỉ dành cho số rất ít các ông lớn và người ta dự đoán sẽ còn người bỏ cuộc chơi này.

Thế giới Di động từng kỳ vọng Vuivui.com sẽ là “gà đẻ trứng vàng”, có thể đạt doanh thu vượt chuỗi cửa hàng Thế giới Di động sau 5 năm. Công ty này cũng không giấu tham vọng dẫn đầu ngành thương mại điện tử với đích đến vào năm 2020, cùng với đó là kế hoạch trở thành nhà bán lẻ đa ngành hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên doanh thu trong hai năm qua của kênh bán hàng trực tuyến vuivui.com chỉ dừng ở mức trên dưới 70 tỉ đồng, tương đương khoảng 0,1% tổng doanh thu của Thế giới Di Động. Cuối cùng tập đoàn này đã phải đóng cửa Vuivui.com chỉ sau 2 năm vật vã trên thị trường TMĐT

Cuộc đua quá khốc liệt trong khi thị trường cạnh tranh quá mạnh và Lazada, Tiki được hẫu thuận rất lớn từ chủ đầu tư đã liên tiếp rót tiền vào “thùng chưa thấy đáy” này. Chủ tịch Tiki cho rằng TMĐT là tương lai của bán lẻ nhưng đó là khi nào thì không ai dám chắc khi đã có hơn 10 sàn TMĐT đình đám ở Việt Nam bỏ cuộc đua.

Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia, tập đoàn cũng cho rằng TMĐT là xu hướng tất yêu của thời đại 4.0 này. Tuy nhiên TMĐT không phát triển nhanh ở trong nước như nhiều nhà đầu tư kì vọng trong khi thói quen mua sắm trực tiếp, cầm tận tay, thấy tận mắt và sờ từng món hàng vẫn ngự trị trong rất nhiều người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, họ luôn chờ đợi những đợt giảm giá lớn của các sàn TMĐT và chủ sàn phải chiều theo sở thích này dẫn đến bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh và kéo nhau đi xuống.

Nhiều chủ sàn TMĐT dường như bỏ quên lực lượng cạnh tranh khổng lồ: bán online trên facebook với hàng triệu tài khoản tham gia và có thể livestream cho khách xem từng món hàng. Ngoài ra việc nhiều sàn TMĐT “treo đầu dê bán thịt chó”, thậm chí lừa dối khách hàng đã làm ảnh hưởng đến thị trường chung, tác động xấu đến tâm lý mua sắm online mới manh nha mấy năm nay của khách hàng.

Tuy nhiên cuộc sàng lọc mạnh mẽ, cạnh tranh gay gắt và tự “tái cấu trúc” của ngành TMĐT có lẽ là điều cần thiết trong thời điểm này để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Cuộc “cải tổ” này sẽ chứng minh chủ đầu tư nào nghiêm túc, tính đến tương lai lâu dài và theo đuổi mục tiêu phục vụ khách hàng cũng như tìm kiếm lợi nhuận đúng nghĩa cho mình. Ai đủ sức, đủ lực và được người tiêu dùng tín nhiệm sẽ ở lại rồi trụ vững, đó là quy luật thị trường và về lâu dài đáng mừng hơn lo.

Theo Phan Nguyễn/Người tiêu dùng