Các doanh nghiệp lo ngại tình trạng giá thịt heo tăng cao trong khi giá heo bình ổn thị trường không được tăng sẽ dẫn đến tình trạng “bao cấp” mặt hàng này
Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP HCM hôm 19-12, Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản – Vissan một lần nữa xin điều chỉnh tăng giá bán thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường.
Doanh nghiệp xin tăng giá, sở ngành kiến nghị giữ nguyên
Lý do nêu ra là giá heo hơi đã tăng 300% so với thời điểm tháng 4-2019, hiện Vissan đang mua heo hơi giá 92.000 đồng/kg, dự báo đến hết tháng 12 sẽ tăng lên 100.000 đồng/kg nhưng công ty chỉ được duyệt điều chỉnh giá bán trong chương trình bình ổn thị trường TP HCM 2 lần, mức tăng tổng cộng chỉ 23,4%.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, công ty đã nhiều lần làm văn bản gửi Sở Tài chính, Sở Công Thương và gần đây nhất là UBND TP HCM nhưng chưa được chấp thuận. “Hàng tươi sống chiếm 50% doanh thu công ty, tình hình này cực kỳ khó khăn nếu thành phố và các sở ban ngành chưa cho điều chỉnh tăng giá” – ông An bức xúc.
Theo đó, Vissan kiến nghị Sở Tài chính TP chấp thuận điều chỉnh giá bán và các điều kiện thay đổi giá bán hàng bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt tươi sống của công ty phù hợp với diễn biến thị trường. Song song đó, kiến nghị nhà nước tăng cường các biện pháp quản lý đầu vào đối với các nguồn hàng thịt nhập khẩu tràn lan trên thị trường. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cần hướng dẫn người tiêu dùng chấp nhận thịt heo đông lạnh…
Tổng giám đốc Vissan cho biết thêm nếu tình trạng này kéo dài, giá heo hơi tiếp tục tăng trong thời gian tới, giá heo bình ổn thị trường không được điều chỉnh tăng để cân đối cung cầu về giá sẽ dẫn đến tình trạng bao cấp khi các đầu nậu gom hàng thịt heo giá tốt, còn người dân chỉ mua được 1-2kg thịt heo, thậm chí không mua được
Sở Công Thương TP HCM cho biết một số DN đã đề xuất tăng giá bán do giá thu mua heo hơi tăng. Tuy nhiên, theo kiến nghị của Sở Tài Chính gửi TP HCM, lượng cung thịt heo cho thị trường TP HCM vẫn bảo đảm, trong khi lượng tiêu thụ giảm, giá bán có xu hướng tiếp tục tăng.
Do nhận định diễn biến giá thịt heo hiện không phụ hợp quy luật cung cầu thị trường, các giải pháp quản lý thông qua hình thức điều chỉnh giá bán không phát huy tác dụng trong trường hợp này nên sở đã kiến nghị TP HCM duy trì mức giá mà Sở Tài chính đã công bố ngày 13-11.
Ghi nhận đêm 19 rạng sáng 20-12 tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng heo về chợ tiếp tục ở mức thấp, chỉ 289 tấn. Giá heo hơi giao dịch tại chợ ở mức 83.000 đồng/kg, tương đối ổn định trong những ngày gần đây. Bên cạnh đó, giá heo mảnh loại 1 là 112.000 đồng/kg, đùi rọ 115.000 đồng/kg, sườn non 135.000 đồng/kg, cốt lết 100.000 đồng/kg, nạc 125.000 đồng/kg.
Theo Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, lượng heo nhập chợ các ngày gần đây giảm đáng kể, dao động 280-300 tấn/ngày đêm (khoảng 4.300 con – 4.600 con), giảm đến 15% so với tháng trước, tương đương 700 con và giảm đến 25% so với bình quân năm 2019 (tương đương 1.400 con). Dự kiến, lượng thịt heo nhập chợ những ngày giáp Tết sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, vẫn bảo đảm 100% nhu cầu thị trường, một phần do giá tăng quá cao, sức mua giảm và các bếp ăn, trường học… nghỉ tết.
Kiến nghị giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu
Mới đây, sau khi khảo sát công tác chuẩn bị nguồn hàng của các doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo như: Vissan, CP Việt Nam, San Hà, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và 2 chợ đầu mối thịt heo là Bình Điền, Hóc Môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, Sở Công Thương TP HCM cho biết giá heo hơi đã tăng gấp đôi so với đầu tháng 9, lên mức 80.000 – 83.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhìn nhận do giá heo hơi và thịt heo pha lóc liên tục tăng trong thời gian qua, tổng sản lượng tiêu thụ thịt heo trên toàn thị trường giảm khoảng 20%, trong đó kênh phân phối hiện đại sức mua giảm nhẹ, kênh chợ truyền thống giảm mạnh (khoảng 30%). Riêng lượng tiêu thụ tại các hệ thống điểm bán hàng bình ổn thị trường như Saigon Co.op, Satra, Vissan… tăng do giá cả ổn định, bảo đảm chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Kéo theo đó, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng như thịt gia cầm, rau củ quả… tăng 10-15% do là sản phẩm thay thế thịt heo.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, trước tình hình giá heo ngày càng leo thang, Sở Công Thương đang phối hợp các sở, ngành triển khai các giải pháp gồm theo dõi sát thị trường thịt heo và thực phẩm thay thế: thịt gia cầm, rau củ quả…; triển khai hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường; đôn đốc doanh nghiệp tiếp tục chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh cung ứng thịt heo; xử lý kịp thời các thông tin sai lệch về thị trường thịt heo; kích cầu các mặt hàng thay thế.
Đồng thời, Sở Công Thương kiến nghị UBND TP có văn bản kiến nghị các bộ ngành có chính sách tăng cường nhập khẩu thịt heo đông lạnh, heo hơi từ các nước lân cận, đồng thời hỗ trợ giảm hoặc miễn thuế đối với mặt hàng thịt heo nhập khẩu… trong giai đoạn hiện nay.
Nhập khẩu thịt heo tăng 117%
Số liệu từ Cục Hải quan TP HCM tính từ đầu năm đến ngày 10-12, lượng thịt heo nhập khẩu qua cửa khẩu TP đạt 13.231 tấn, tăng 7.130 tấn (tương ứng 117%) so cùng kỳ ngoái. Tổng giá trị nhập khẩu thịt heo lên đến hơn 26 triệu USD.
Theo Sở Công Thương TP, nhập khẩu thịt heo tăng chủ yếu do giá thịt heo nhập khẩu chỉ tương đương 70% giá heo trong nước (sau khi cộng thuế và chi phí liên quan). Mặc dù lượng sản lượng thịt heo nhập khẩu tăng gấp đôi năm 2018 nhưng do thói quen người tiêu dùng vẫn còn ưa thích sử dụng thịt nóng nên hiện nay thịt heo đông lạnh (bảo đảm chất lượng) cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng vẫn còn hạn chế; chủ yếu cung cấp cho sản xuất thực phẩm chế biến, nhà hàng, bếp ăn…