Categories Bất động sản

Ai bảo vệ khách hàng trước rủi ro tại dự án Picity High Park?

Báo Người Tiêu Dùng thời gian qua liên tục có những bài viết phản ánh việc huy động vốn trái phép tại dự án Picity High Park. Dự án này chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư đã xây nhà mẫu trái phép để quảng bá căn hộ dự án. Trước sự quan tâm của dư luận chính quyền vẫn im lặng, còn môi giới ngang nhiên thu tiền khách hàng.

Một hạng mục bên trong khu nhà mẫu xây trái phép của dự án Picity High Park.

Bó tay với nhà mẫu trái phép?

Dự án Khu dân cư Gò Sao tọa lạc tại P. Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM do Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Gia Cư (Công ty Gia Cư) làm chủ đầu tư gắn tên thương mại Picity High Park quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng suốt thời gian qua. Chủ đầu tư cũng tiến hành xây dựng nhà mẫu và cho khách hàng tới tham quan tìm hiểu.

Khu nhà mẫu hoành tráng được triển khai xây dựng ngay tại thửa đất số 147, tờ bản đồ số 65, thuộc P. Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM. Đây cũng là vị trí của dự án Picity High Park có tổng diện tích gần 8,7ha. Tuy vậy, công trình nhà mẫu được xây dựng trái phép.

Khu nhà mẫu mọc lên như thách thức dư luận và chính quyền, dù trước đó ngày 7/10/2019, UBND Q.12 đã ban hành kế hoạch số: 10356/KH-UBND-ĐT về việc tổ chức thi hành các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND Q.12 trên địa bàn P. Thạnh Xuân (đợt 4 năm 2019).

Theo kế hoạch này, UBND Q.12 đã phân công Phòng Quản lý Đô thị (đội Quản lý Trật tự Đô thị quận) chủ trì, tham mưu UBND quận tổ chức thi hành các quyết định cưỡng chế, tổng hợp danh sách, hoàn thiện hồ sơ pháp lý các trường hợp tổ chức thực hiện cưỡng chế…

Cùng với đó, UBND Q.12 cũng phân công Chủ tịch UBND P. Thạnh Xuân xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện kế hoạch của UBND quận về việc tổ chức thực hiện 11 quyết định cưỡng chế (theo phụ lục đính kèm), buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND Q.12. Trong đó, có công trình vi phạm xây dựng tại dự án Picity High Park với thời gian thực hiện là trước ngày 31/10/2019.

Tuy nhiên đến nay, dù đã hơn 1 tháng kể từ ngày tổ chức thực hiện, việc cưỡng chế khu nhà mẫu và nhà điều hành tại dự án Picity High Pack vẫn chưa xử lý xong. Ngày 19/11, phóng viên Báo Người Tiêu Dùng liên hệ UBND P. Thạnh Xuân để tìm hiểu về công tác xử lý, tuy nhiên văn phòng UBND thông báo lãnh đạo đi vắng hết nên để lại câu hỏi và sẽ trả lời sau.

Dự án Picity High Park bằng nhiều chiến dịch marketing, môi giới đã huy động tiền từ người tiêu dùng.

Cần cảnh báo cho khách hàng

Căn hộ dự án Picity High Park đang được các sàn giao dịch bất động sản Pi Home, Rever… cho khách hàng giữ chỗ 50 triệu đồng, dự kiến sẽ chuyển qua ký “thỏa thuận giữ chỗ” thu 10% giá trị căn hộ. Với 10% thì dự kiến khách hàng sẽ phải đóng khoảng trên dưới 300 triệu đồng cho căn hộ chưa biết khi nào có chấp thuận chủ trương đầu tư, hay giấy phép xây dựng…

Ngày 14/11 vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã có Văn bản số 14754 gửi UBND TP.HCM về đề nghị chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở Gò Sao của Công ty Gia Cư. Và hiện nay vẫn đang chờ động thái từ UBND TP.HCM về việc có hay không chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án này.

Cần biết, chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư là các bước đầu của một dự án bất động sản, quá trình này hoàn tất thì chủ đầu tư mới tiến tới các bước chấp thuận đầu tư, xin giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy… là cả một quá trình rất lâu. Đó là chưa kể khi có tất cả các thủ tục pháp lý, chủ đầu tư mới tiến hành xây dựng phần móng, khi xong phần móng được Sở Xây dựng nghiệm thu thì lúc đó mới chuyển qua ký hợp đồng mua bán. Việc chiếm dụng vốn khi chưa đủ điều kiện mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là trái quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản.

Trả lời văn bản cho báo chí, ông Nguyễn Xuân Thiêm, Giám đốc Công ty Gia Cư cam kết không thực hiện huy động vốn bằng hình thức ký hợp đồng mua bán, tuy vậy, đơn vị này đang có dấu hiệu đánh tráo khái niệm về luật để huy động vốn bằng hình thức đặt cọc giữ chỗ hay thỏa thuận giữ chỗ.

Nói về vấn đề này, luật sư Trần Thái Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, chủ đầu tư đã thu tiền của khách hàng trong khi chưa đáp ứng các điều kiện để được giao dịch (chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, hoàn thành phần móng, bảo lãnh ngân hàng….). Chủ đầu tư có thể đang theo lý lẽ: Họ đâu có giao dịch, họ chỉ thu đặt cọc để tiến tới giao dịch. Thực tế, chiếu theo quy định về đặt cọc trong Bộ luật Dân sự, thì lập luận đó cũng chỉ là ngụy biện: Vì đây là giao dịch bán nhà nên chủ đầu tư không thể giao dịch một tài sản mà mình chưa có quyền sở hữu rõ ràng, hay đủ điều kiện để giao dịch. Và như vậy, giao dịch đặt cọc này có khả năng vô hiệu cao.

“Việc giao dịch như vậy đã làm vô hiệu hóa các quy định của pháp luật lẽ ra được thiết lập để bảo vệ quyền lợi người mua nhà, rõ ràng đặt người mua vào những rủi ro trong giao dịch này. Một số những rủi ro đó có thể là: Cơ quan Nhà nước không cấp phép xây dựng công trình thì sao? Công trình xây dựng chậm tiến độ thì sao? Nếu chủ đầu tư vì lý do nào đó không thể tiếp tục đầu tư dự án có thể nại ra thỏa thuận đặt mua là vô hiệu và chỉ hoàn trả phần thanh toán cho người mua… Nói chung, người mua đang nắm đằng lưỡi” – luật sư Trần Thái Bình đánh giá.

Hiện Sở Xây dựng, UBND Q.12 là những đơn vị trực tiếp quản lý việc bán nhà hình thành trong tương lai của dự án Picity High Park nhưng chưa có văn bản thông báo về tình trạng pháp lý của dự án để giúp khách hàng không dính bẫy của môi giới. Trong khi, để xử lý nghiêm sai phạm trong kinh doanh bất động sản, mới đây, UBND TP.HCM giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức thực hiện hiệu quả đề án nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý đất đai, bất động sản. Dự án Picity High Park đã được cơ quan báo chí và dư luận lên án nhưng Sở Xây dựng, UBND Q.12 vẫn im lặng rõ ràng là điều đáng buồn.

Theo NGUYÊN VŨ/Người tiêu dùng