Hội thảo “Phương hướng quản lý đất đai hiệu quả” vừa được UBND TP.HCM tổ chức vào ngày 22/11, nhận được rất nhiều ý kiến từ các lãnh đạo thành phố, sở ban ngành cũng như chuyên gia. Hiện nay, sự thiếu nhất quán, phức tạp trong nội bộ pháp luật đất đai cùng với sự thiếu thống nhất giữa các bộ luật dẫn đến công tác quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn.
Bất cập
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, hiện nay tỷ lệ sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế thành phố chưa tốt, chủ yếu chỉ mới phục vu nhu cầu của nhà đầu tư. “Vì không có tiền nên thành phố chưa làm đường, quy hoạch trống để vậy, doanh nghiệp vào làm. Lúc này giá đất rất thấp, đến khi doanh nghiệp làm được thì nhà nước mở đường tốn kém, doanh nghiệp lại được lợi vì giá đất tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xin chủ trương, xin đất nhưng để đó, chậm triển khai, không triển khai, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất”, ông Võ Văn Hoan phân tích.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết: Quản lý đất đai không tốt khiến Việt Nam thu ngân sách từ đất chiếm có 10%, trong khi các nước khác từ 50%-90%. Riêng TP.HCM thu chưa đến 10% là quá thấp, chưa tương xứng tiềm năng. Theo ông Võ, quản lý đất đai hiện nay hiện làm chưa tốt, chẳng hạn về giá đất, gây thất thu lớn. Bảng giá đất của trung ương cũng như các địa phương đưa ra cũng chỉ bằng 30-40% giá thị trường thực tế.
Trong khi đó, người đứng đầu nghành Tài nguyên Môi trường TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, quản lý đất đai nói chung trên cả nước trong đó có TP.HCM có rất nhiều thách thức. Chẳng hạn đó là việc thiếu đồng bộ giữa các pháp luật liên quan. “TP.HCM hiện nay chưa có hệ thống quản lý đất đất đai điện tử, việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai còn phức tạp, làm người dân kém hài lòng, thậm chí còn bức xúc. Trong khi đó, một số nhà đầu tư tạo lập các loại bất động sản trái phép, quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với quy hoach chuyên ngành khác đã ảnh hưởng đến công cụ tài chính của đất đai”, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đánh giá.
Ngoài ra, một số khách mời còn chỉ ra những bất cập, thiếu hợp lý và dễ dân tới sai phạm, trục lợi trong việc giao đất không qua đấu giá, bán đất giá bèo trong khi mua công trình và mua đất giá cao tại các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng).
Giải pháp nào?
Các chuyên gia kiến nghị như khai thác kinh tế từ đất đai như áp thuế đúng, đủ; quy hoạch lại quản lý sử dụng đất; không chia nhỏ nhiều loại đất; quản lý đất đai bằng công nghệ thông tin…
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra những giải pháp nhằm quản lý đất đai hiệu quả hơn, và cho biết sắp tới, thành phố sẽ làm rất nhiều việc, tập trung 4 nhóm giải pháp. Cụ thể, quy hoạch sử dụng đất sẽ có tầm nhìn và chặt chẽ hơn, gắn với quy hoạch liên ngành từ quy hoạch ngành y tế đến giáo dục, giao thông…song song đó tăng cường kiểm tra, quản lý, bổ sung, thu hồi kịp thời các dự án “xí đất” rồi để đó; Vốn hóa đất đai cho các khu đất công, tính toán lại nguồn thu từ đất…
Về kế hoạch vốn hoá đất đai, ông Võ Văn Hoan khẳng định: “Thành phố sẽ thúc đẩy mạnh mẽ vốn hoá đất đai, nghiên cứu lại cơ chế thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án có thu hồi quyền sử dụng đất của người dân. Cùng với đó nghiên cứu việc khai thác quỹ đất thanh toán dự án BT phải nằm dọc các tuyến đường triển khai dự án BT chứ không phải lấy quỹ đất từ nơi khác thanh toán cho chủ đầu tư”.
Về phương hướng để thực hiện vốn hoá đất đai, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hiện thành phố có gần khoảng 114.000ha đất nông nghiệp và 95.000 ha đất phi nông nghiệp. Hầu hết đất đai thành phố đang được sử dụng hoặc sẵn sàng đưa vào sử dụng. Tại thành phố từ năm 2019 dự toán thu từ đất là 14.900 tỷ đồng nhưng ước tính chỉ thu được 11.000 tỷ đồng, bằng 73,83%. Đây là mức thấp so với những năm gần đây như năm 2016 thực thu 17.100 tỷ đồng (giao thu 16.500 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, tài chính đất đai là một yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý đất đai đô thị, nhất là tại TP.HCM. Giá đất quá cao thì một quyết định hành chính về đất đai có thể mang lại hoặc làm mất đi lợi ích tới nghìn tỷ đồng. Vì thế phải xây dựng một hệ thống tài chính đất đai đô thị hiệu quả trên nguyên tắc vốn hoá được đất đai. Tức là đất đai quy đổi thành vốn tài chính. Điều này đã được thực hiện thường xuyên tại các siêu đô thị trên thế giới.
Một trong những nội dung quan trọng vốn hoá đất đai là tạo nguồn thu từ đất đô thị thông qua quá trình đưa đất công vào thị trường theo cơ chế Nhà nước giao đất, thu tiền thuê đất, thu thuế, phí liên quan đến đất đai đang sử dụng trong khu vực tư nhân. Ngoài ra, vốn hoá từ đất đai có thể thực hiện bằng nhiều cơ chế khác nhau như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lại việc sử dụng đất công, thu giá trị đất tăng thêm do đầu tư phát triển hạ tầng và tiện ích công cộng; sử dụng quỹ đất để đổi lấy hạ tầng…
Theo Nguyên Vũ/Người tiêu dùng