Categories Doanh nghiệp

Masan Tài nguyên vượt khó khăn để mở rộng thị phần

Những năm gần đây, giá kim loại và khoáng sản trên thế giới và khu vực giảm sâu. Điều này khiến các doanh nghiệp ngành khai khoáng gặp khó khăn.

Thách thức chung của thị trường

Những năm gần đây, giá kim loại và khoáng sản trên thế giới và khu vực giảm sâu. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra và ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại này đến dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới khiến người mua vonfram, đồng và bismuth thận trọng hơn.

Hai thị trường tiêu thụ vonfram lớn nhất là ngành công nghiệp ô tô và hàng không đều bị giảm sản lượng. Doanh số tiêu thụ ô tô của Trung Quốc và Mỹ đều giảm lần lượt là 12% và 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong ngành công nghiệp hàng không, lượng đơn đặt hàng của hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất là Boeing và Airbus đều giảm lần lượt là 74% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm của hãng Boeing là do tác động kép bởi vấn đề an toàn liên quan đến máy bay Boeing 737 Max. Thêm vào đó, thị trường Vonfram bất ổn do bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về việc Fanya bán lượng Vonfram dự trữ tại Trung Quốc và chưa chắc chắn về giá mà Fanya sẽ bán. Sàn giao dịch kim loại Fanya có khoảng 29.000 tấn sản phẩm vonfram ở các dạng khác nhau, tương đương 1/4 sản lượng vonfram tại Trung Quốc.

Thách thức chung của thị trường khiến các doanh nghiệp khai khoáng trong nước gặp rất nhiều khó khăn: chi phí sản xuất tăng cao, nhiều dự án chế biến không được đầu tư theo quy hoạch, hoặc đã đầu tư nhưng sản xuất cầm chừng với sản lượng rất thấp, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, tồn kho một số loại khoáng sản với khối lượng lớn, nhiều mỏ phải tạm thời đóng cửa.

Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Đối ngoại cho biết: "Masan Tài nguyên xác định các mục tiêu phát triển bền vững là nền tảng cho các hoạt động phát triển của Công ty. Năm 2018, Mansan Tài nguyên đã có những bước tiến lớn về quản trị phát triển bền vững. Thứ nhất, Công ty trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Thứ hai, Masan Tài nguyên không ngừng cải thiện lĩnh vực quản trị bền vững thông qua việc thành lập Tiểu ban Sức khoẻ, Môi trường, An toàn và Bền vững như một công cụ để đo lường và thúc đẩy những hoạt động phát triển bền vững trong nội bộ Công ty cũng như đối với các nhà thầu".

Khi khó khăn là “lửa thử vàng”

Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo – Masan Tài Nguyên (NuiPhao Mining – MSR) không phải là ngoại lệ trong bối cảnh khó khăn chung. Song, với “bản lĩnh” của một nhà cung cấp tinh quặng vonfram hàng đầu (hiện nay MSR chiếm 36% thị trường vonfram thế giới ngoài Trung Quốc) cùng sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền và nhân dân vùng Dự án, NuiPhao Mining – MSR đã ứng phó với khó khăn và từng bước hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp.

Khai thác mỏ đa kim Núi Pháo được xem là mỏ phức hợp nhất thế giới với 4 dòng sản phẩm trên một thân quặng duy nhất, Công ty đã áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, liên tiếp đầu tư các dây chuyền sản xuất và kỹ thuật hiện đại để không chỉ tối đa hóa tỷ lệ thu hồi khoáng sản mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm và tối đa hóa giá trị nguồn tài nguyên.

Dây chuyền chế biến hiện đại tại Masan Tài nguyên.JPG

Đáng chú ý, tháng 9/2019, Masan Tài nguyên đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck – nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao “midstream”. Thỏa thuận này giúp MSR tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỉ USD lên 4,6 tỉ USD và là bước đi chiến lược trong mục tiêu trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao. Masan Tài nguyên đã vạch rõ lộ trình để nâng cao khả năng cạnh tranh và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thế giới trong những năm tới: Mở rộng thị phần APT của Công ty từ 36% lên 50% hoặc lớn hơn bằng cách tăng công suất của Nhà máy Hóa chất Vonfram lên 12.000 tấn vào năm 2021; củng cố nguồn cung nguyên liệu vonfram và khả năng tái chế vonfram để đảm bảo việc cung ứng bền vững.

Khu vực Trạm nghiền Nhà máy chế biến Khoáng sản

Phát triển bền vững đi cùng đóng góp cho xã hội

Tại Masan Tài nguyên, trọng tâm nguồn nhân lực của Công ty chính là các lao động tại địa phương: 79% lao động là người tỉnh Thái Nguyên, 49% lao động là người bị ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo, 14% lao động đến từ các tỉnh khác và 7% là lao động nước ngoài. Trong quá trình xây dựng mỏ và thực hiện việc vận hành nhà máy chế biến, Công ty và các nhà thầu của dự án đã sử dụng, tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 2.000 lao động địa phương, trong đó có khoảng 1.000 người từ các gia đình bị ảnh hưởng do thu hồi đất cho dự án.

Từ năm 2016-2018, Masan Tài nguyên đã đóng góp 3.200 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước và đóng góp mỗi năm 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội của Tỉnh; Về lĩnh vực cộng đồng, Masan Tài nguyên tiếp tục thực hiện các sáng kiến phát triển cộng đồng, hàng năm Công ty đóng góp trên 5 tỷ đồng cho các hoạt động về môi trường, kinh tế và xã hội. Các chương trình của Công ty tiếp tục mang lại những kết quả tích cực, góp phần tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Công ty Masan Tài nguyên đồng hành cùng người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

Với mục tiêu trở thành công ty vật liệu công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam với quy mô toàn cầu, song hành cùng các hoạt động phát triển an sinh xã hội tại địa phương, Masan Tài nguyên đang chứng minh là một doanh nghiệp trách nhiệm với cộng đồng, năng động và thành công.

Theo PV/baogiaothong.vn