Categories Thị trường

Ai hưởng lợi từ thương vụ bán 34% cổ phần nhà máy nước mặt sông Đuống?

Nhà máy nước mặt sông Đuống do tập đoàn Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên sở hữu 58% cổ phần có tổng giá trị đầu tư là gần 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay gần 4.000 tỷ đồng. Sau 3 năm đi vào hoạt động, nhà máy nước được bán cho nữ tỷ phú Thái thu về hơn 2.000 tỷ. Câu hỏi đặt ra, ai được hưởng lợi từ thương vụ này?

Thương vụ nữ tỷ phú Thái Lan chi 2,76 tỷ baht (khoảng 2 ngàn tỷ đồng) để mua 34% cổ phần của Công ty CP Nước mặt sông Đuống, đơn vị sở hữu nhà máy nước mặt sông Đuống đã thu hút được sự quan tâm của xã hội. Thương vụ này được Công ty CP Chứng khoán Bản Việt do bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch HĐQT làm tư vấn.

Hưởng nhiều ưu đãi, chủ đầu tư thu lãi bán cổ phần

Sở dĩ thương vụ này được quan tâm bởi sự việc Công ty CP nước sông Đà (Viwasupco) bán nước nhiễm dầu thải cho dân giữa tâm bão vẫn báo lãi khủng với 2 đồng vốn, 1 đồng lời.

Ngoài ra, thông tin về văn bản 3310 của UBND TP Hà Nội ngày 6/7/2017 đã chấp thuận chấp thuận giá bán nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống cao gấp đôi giá bán nước của Nhà máy nước sạch sông Đà. Nói rõ thêm, vì văn bản này mà Hà Nội có thể phải bù lỗ 3 tỷ đồng mỗi ngày bằng tiền ngân sách do giá nước bán buôn đắt gấp đôi giá bán lẻ bậc 1. Nếu việc tăng giá nước bất thành, có thể mỗi năm Hà Nội phải chi hơn 1.000 tỷ đồng để bù lỗ, kể từ đầu 13/10/2019 khi nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động.

Toàn cảnh nhà máy nước mặt sông Đuống vừa bán 34% cổ phần nữ tỷ phú Thái Lan

Quan trọng hơn, đó là an ninh nguồn nước là điều rất quan trọng, nên việc để cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này cũng cần phải cân nhắc.

Với tất cả những yếu tố đó, việc tập đoàn Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên (hay gọi là Shark Liên) làm chủ tịch HĐQT đã vội bán 34% cổ phần cho tập đoàn WHA của nữ tỷ phú Thái Lan để thu về 2.073,19 tỷ đồng khiến xã hội không khỏi bất bình.

Nhắc lại một chút, Nhà máy nước mặt sông Đuống được sở hữu bởi Công ty CP nước mặt sông Đuống. Công ty này được thành lập tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 8/6/2016 với hoạt động chính là sản xuất và cung cấp nước. Thời gian hoạt động là 50 năm.

Các cổ đông sáng lập của công ty bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch – Newtatco (5%), CTCP Đầu tư Việt Nam – Oman 27% (nhà đầu tư ủy thác góp vốn), CTCP nước Aqua One 58% (nhà đầu tư ủy thác góp vốn).

Tổng vốn đầu tư cho dự án giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng (tương đương 224,4 triệu USD), trong đó vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng (44,88 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4.000 tỷ đồng, trong đó Vietinbank cho vay khoảng 3.020 tỷ đồng.

Rồi mới đây, Công ty CP nước mặt sông Đuống đã tiến hành bán 34% cổ phần cho nữ tỷ phú Thái Lan thu về hơn 2.000 tỷ sau 3 năm đi vào hoạt động. Chỉ làm một bước thống kê đơn giản để thấy chủ đầu tư gần như phải bỏ rất ít vốn tự có, thậm chí là “tay không bắt giặc” để xây dựng và vận hành nhà máy nước mặt sông Đuống. Câu hỏi đặt ra: Ai được hưởng lợi trong thương vụ này?

Ai được hưởng lợi?

Nhắc lại thương vụ bán 34% cổ phần Công ty CP nước mặt sông Đuống cho nữ tỷ phú Thái Lan, đơn vị tư vấn là Công ty CP Chứng khoán Bản Việt, nơi bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch HĐQT. Điểm lưu ý trong bản chào bán cổ phần Công ty CP nước mặt sông Đuống đó là tiềm năng kinh doanh của lĩnh vực này.

Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Aqua One và đại diện pháp luật Công ty CP nước mặt sông Đuống

Cụ thể, theo Chứng khoán Bản Việt, ước tính, tổng nhu cầu nước sạch của người dân Hà Nội lên tới 1,5 triệu m³/ngày trong khi năng lực cung cấp nước sạch hiện tại chỉ rơi vào khoảng 1,0 triệu m³/ngày (chưa tính năng suất của nhà máy xử lý nước mặt Poseidon). Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nước sạch của thủ đô sẽ vượt qua con số 2,7 triệu m³/ngày do quá trình đô thị hóa mở rộng và tốc độ tăng trưởng dân số.

“Môi trường chính trị ổn định, thể chế pháp lý thuận lợi cho phát triển các dự án xử lý nước: Hiện nguồn cung nước mặt đã xử lý chỉ chiếm chưa đầy ⅓ tổng nguồn cung nước sạch tại Hà Nội. Con số này kém xa mức mục tiêu 80% mà các nhà hoạch định chính sách đặt ra cho năm 2030.

Trong một thập kỷ tới, Chính phủ đang có kế hoạch khai tử một số nhà máy xử lý nước ngầm nhỏ do nguy cơ ô nhiễm và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Khi đó, các nhà máy xử lý nước mặt sẽ nổi lên như nguồn cung nước sạch chủ lực cho thủ đô. Hà Nội dự kiến sẽ cấp giấy phép hoạt động cho khoảng 5 nhà máy xử lý nước mặt cho đến năm 2030, nhưng đến hiện nay, mới chỉ có 2 nhà máy được cấp phép bao gồm cả Nhà máy nước mặt sông Đuống”, Chứng khoán Bản Việt phân tích.

Một điểm được Chứng khoán Bản Việt nhấn mạnh đó là rào cản gia nhập thị trường cao và rủi ro cạnh tranh thấp trong tương lai gần: Quy trình phê duyệt một dự án xử lý nhà máy nước sạch có thể mất tới 3-5 năm do những thủ tục giấy phép phức tạp từ nhiều cơ quan khác nhau.

“Nhờ mối quan hệ mật thiết với các cơ quan chính quyền địa phương, sau 2 năm, Nhà máy nước mặt sông Đuống hiện sở hữu đầy đủ các giấy phép cần thiết cho việc giám sát xây dựng nhà máy xử lý nước cũng như mạng lưới đường ống. Đi kèm với đó là những chính sách ưu đãi thuế và giá thuê mặt bằng hấp dẫn”, Chứng khoán Bản Việt phân tích.

Theo đăng ký kinh doanh, Công ty CP nước mặt sông Đuống do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm người đại diện pháp luật. Công ty CP Tập đoàn Aqua One, cổ đông lớn sở hữu 58% cổ phần nước mặt sông Đuống, cũng do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Chủ tịch HĐQT. Như vậy, với vai trò là cổ đông lớn nhất của Công ty CP nước mặt sông Đuống, Tập đoàn Aqua One và Shark Liên là người được hưởng lợi nhiều nhất trong thương vụ này.

Trong suốt 10 năm qua, Shark Liên luôn làm từ thiện, hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bà từng tuyên bố “tôi đầu tư không cần lợi nhuận, nếu có tôi sẽ làm từ thiện”.

Vậy hiểu thế nào cho đúng về việc Nhà máy nước mặt sông Đuống được “ưu ái” mua giá nước bán buôn cao gấp đôi giá bán lẻ bậc 1 để rồi Hà Nội lại nâng giá nước bán lẻ cho người dân vì ngân sách không thể gánh nổi khoản tiền bù lỗ có thể lên tới hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm? Rồi lại đem bán một dự án được quá nhiều ưu ái đấy cho nữ tỷ phú Thái Lan để hưởng lợi, bất chấp vấn đề an ninh nguồn nước?

Nhắc đến Shark Liên, mọi người đều biết đến những thương vụ mua bán doanh nghiệp nghìn tỷ. Xuất phát từ nghề giáo, bà Đỗ Thị Kim Liên quyết định từ bỏ để chuyển vào Nam lập nghiệp.

Đến năm 2005, Shark Liên lập ra Công ty Bảo hiểm AAA. Năm 2012, bà bất ngờ bán lại toàn bộ cổ phần tại Bảo hiểm AAA cho Tập đoàn IAG (Australia).

Cuối năm 2013, Shark Liên thành lập Công ty AAA Plus chuyên tư vấn tài chính, M&A, quản lý tài sản và môi giới kinh doanh, đầu tư.

Cuối tháng 10/2018, sau 5 năm rời xa ngành bảo hiểm, nhà sáng lập thương hiệu bảo hiểm AAA đã "tái xuất" thị trường bảo hiểm phi nhân thọ bằng một ứng dụng bán bảo hiểm có tên LIAN - Bảo hiểm 24/7.

Ngoài việc đầu tư bảo hiểm, bà Đỗ Thị Kim Liên khá nổi tiếng khi đến với "Shark Tank Việt Nam". Tại tập 4 mùa 3 của chương trình này, Shark Liên đặc biệt quan tâm tới những Startup có tính nhân văn, lưu giữ những giá trị văn hóa - truyền thống, startup công nghệ, dịch vụ tài chính.

Theo Nguyễn Ngân/Dân Việt