Trong thời gian qua, tại TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng với lãnh đạo thành phố để thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực y tế. Tập đoàn Hoa Lâm là một trong những đơn vị tiên phong ấy!
Lấy mục tiêu “Khách hàng là trung tâm”, Khu Y tế kỹ thuật cao (YTKTC) Shangri-La luôn mong muốn mang đến cho người dân Việt Nam một địa chỉ chăm sóc sức khỏe uy tín, dịch vụ hoàn hảo, trở thành thương hiệu mạnh về y tế, thu hút sự quan tâm và tin tưởng của người dân trong nước cũng như trong khu vực. Khu YTKTC được đầu tư và phát triển bởi Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La (gọi tắt là Hoa Lâm Shangri-La). Dự án khi hoàn thành hứa hẹn sẽ là một dự án y tế mang đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe toàn diện, phục vụ nhu cầu của 9 triệu người dân thành phố cũng như các khu vực lân cận (khoảng 12 tỉnh thành, ước tính là 25 triệu dân).
Không có quả ngọt nào mà thiếu những giọt mồ hôi của người chăm sóc. Có một Khu YTKTC nằm trên địa bàn quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh khang trang, hiện đại như ngày hôm nay là kết quả của nhiều tâm huyết, nỗ lực của lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh qua các thời kỳ trong việc gỡ vướng, đồng hành cùng doanh nghiệp; Là thành quả vượt qua hàng núi khó khăn, thách thức, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản của Công ty Hoa Lâm Shangri–La khi dám đầu tư vào lĩnh vực được gọi là “điên rồ” lúc bây giờ…
Chủ trương đúng…
Với chủ trương xã hội hóa y tế của UBND TP.Hồ Chí Minh từ năm 2001, sau gần 10 năm kêu gọi đầu tư, chủ đầu tư là Công ty Hoa Lâm Shangri-La tiến hành thủ tục nghiên cứu, khảo sát và lập dự án đầu tư thì ngày 07/6/2008, UBND TP đã có văn bản số 3588/UBND-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về dự án đầu tư Khu YTKTC, với tổng quy mô 1.750 giường. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3807/VPCP – KGVX ngày 09/06/2008 lấy ý kiến các Bộ ngành và được các Bộ phản hồi chấp thuận: Bộ Y tế có văn bản số 4130/BYT-KH-TC ngày 11/6/2008; Bộ Tài chính có văn bản số 6843/BTC-QLCS ngày 13/6/2008; Bộ Tài nguyên & Môi trường có văn bản số 2146/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 13/6/2008; Bộ Kế hoạch & Đầu tư có văn bản số 4296/BKH/LĐVX ngày 16/6/2008; Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 5295/BGDĐT-CSVCTBĐCTE ngày 17/6/2008; Bộ Xây dựng số 1161/BXD-HĐXD ngày 17/06/2008.
Trên cơ sở ý kiến các Bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 925/TTg-KGVX ngày 21/6/2008 đồng ý với đề nghị của UBND TP về việc đầu tư tại Khu YTKTC. Sau đó, Công ty Hoa Lâm Shangri-La đã thực hiện các thủ tục đầu tư và được cấp các giấy tờ pháp lý theo quy định pháp luật như Giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt quy hoạch, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Theo đó, Khu YTKTC được chấp thuận với các thông số cụ thể như: Diện tích khu đất là 37,5 ha bao gồm: Đất xây dựng các khu chức năng cho Khu YTKTC, đất nhà ở, căn hộ phục vụ dự án, trường học, cây xanh thể dục thể thao, giao thông, đất công trình hạ tầng kỹ thuật…
Mật độ xây dựng là 30,58% là mật độ xây dựng toàn khu theo mục 5.1 của Quyết định 5637/QĐ-UBND ngày 26/12/2008 của UBND TP.Hồ Chí Minh về phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu YTKTC. Tại mục 5.2.2 của chính Quyết định trên có nêu mật độ xây dựng 40% cho ba hạng mục nhà ở, căn hộ…
Biến ước mơ thành… hiện thực!
Kể về những ngày đầu xây dựng Khu YTKTC, bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm cho biết, trong chuyên đi nước ngoài cùng với cố Thủ tướng Phan Văn Khải vào năm 2005, ông thể hiện ước mơ Việt Nam có một khu YTKTC để khám chữa bệnh cho người dân. Và đây cũng là mơ ước khát khao ấp ủ bấy lâu nay của bản thân bà.
Nghĩ là làm, bà Lâm cũng như nhiều doanh nghiệp khác bắt đầu xây dựng mơ ước bằng việc đề xuất lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh để Công ty Hoa Lâm Shangri-La xây dựng Khu YTKTC đầu tiên tại Việt Nam. Đề án này không chỉ là ước mơ của cá nhân bà mà còn là hưởng ứng chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực y tế của TP.Hồ Chí Minh – một chủ trương còn khá mới mẻ lúc bấy giờ. Hình hài của dự án được Kiến trúc sư trưởng TP.Hồ Chí Minh “phác thảo” năm 2001 gồm 42,5ha với quy mô 1.200 giường bệnh tại xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh. Để khuyến khích nhà đầu tư, năm 2001, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh ký quyết định cho phép doanh nghiệp được giao đất sử dụng ổn định lâu dài, được miễn đóng tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ tài chính khác.
Trong quá trình triển khai dự án, Ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Lâm đặc biệt chú trọng tới việc đầu tư, xây dựng an sinh xã hội cho toán thể cán bộ công nhân viên tại bệnh viện. Theo đó, Khu YTKTC bao gồm 6 bệnh viện: 1 bệnh viện đa khoa, 5 bệnh viện chuyên khoa cùng nhiều chuyên khu hỗ trợ với tổng cộng 1.750 giường bệnh quy mô hiện đại bậc nhất tại Việt Nam. Dự án bao gồm 4 hạng mục chính: Y tế, giáo dục, hỗ trợ và các tiện ích phục vụ cộng đồng như: Bệnh viện, phòng thí nghiệm, phòng khám, khu ngoại trú, khu dân cư nhà ở, trung tâm triển lãm y tế và trung tâm mua sắm, căn hộ dịch vụ, trường học quốc tế và khu sinh hoạt tập thể. Ngoài ra, dự án cũng có sân bay trực thăng chuyên dụng để phục vụ vận chuyển cấp cứu và nhiều hạng mục quan trọng, có ý nghĩa thiết thực khác.
Ý tưởng xây dựng và triển khai dự án Khu YTKTC đầu tiên ở Việt Nam cho thấy: Xã hội hoá nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực y tế là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Thực tế, dự án đã chập chững những bước đi đầu tiên và đáp ứng phần nào mong mỏi, ước mơ khám chữa bệnh kỹ thuật cao của người dân. Trong một tương lai không xa, khi các hạng mục của dự án được hoàn thiện, người dân trong nước sẽ không còn phải lặn lội sang tận nước ngoài khám chữa bệnh.
Theo Mai Hiên/Doanh nhân&pháp luật