PV Pipe trở thành nỗi “ám ảnh” của cổ đông PV GAS

Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) luôn là một trong những cổ phiếu “sáng giá” trong mắt nhà đầu tư vì hằng năm tạo ra lợi nhuận khủng và sở hữu lượng tiền khổng lồ mà bất cứ ngân hàng nào cũng thèm khát được PV GAS gửi vào. Thế nhưng, khoản đầu tư vào CTCP Sản xuất ống thép Dầu khí (PV Pipe) đã trở thành nỗi “ám ảnh” cho cổ đông của PV GAS khi công ty này liên tục báo lỗ lớn.

PV GAS – Lợi nhuận khủng

Năm 2018, PV GAS đạt 75.612 tỷ đồng doanh thu thuần và 11.454 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ, tăng lần lượt 17,2% và 18,3% so với năm 2017. Trong các doanh nghiệp có cổ phiếu trên sàn chứng khoán, khả năng kiếm tiền của PV GAS chỉ thua Vinhomes, Vietcombank và xếp trên hàng loạt đơn vị tên tuổi khác như: Vinamilk, Tập đoàn Hòa Phát, Techcombank, BIDV, VPBank, VEAM, ACV.

Năm nay, PV GAS tiếp tục thể hiện phong độ “kiếm tiền” giỏi khi lợi nhuận chỉ xếp sau Vinhomes và Vietcombank. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, PV GAS đã đạt 58.030 tỷ đồng doanh thu thuần và 8.933 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ, tăng lần lượt 2,5% và 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đây chưa phải là thời điểm “vàng son” của PV GAS. Tổng công ty từng có mức lợi nhuận ấn tượng 14.114 tỷ đồng vào năm 2014.

Để có được thành tích như trên, tổng công ty có lợi thế mà không có bất kỳ doanh nghiệp nào có được. Là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), PV GAS có toàn quyền khai thác, phân phối khí và các sản phẩm khí từ các mỏ do Petro Vietnam sở hữu hoặc liên doanh. Hiện nay, PV GAS là nhà cung cấp khí khô, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và condensate. Ngoài ra, tổng công ty còn có sản phẩm từ khí khô là khí thiên nhiên nén (CNG) hiện nay và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong tương lai.

Hằng năm, tổng công ty đạt lợi nhuận ở mức cao nhưng cổ tức ở mức bình thường. Tổng công ty phân phối phần lợi nhuận còn lại vào quỹ đầu tư phát triển, đến 30/9, khoản quỹ này lên đến 18.946 tỷ đồng. Điều này đã giúp PV GAS có lượng tiền khủng lên đến 28.532 tỷ đồng, gồm 21 tỷ đồng tiền mặt, 2.040 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, 3.872 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng và 22.599 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến 12 tháng. Nhờ lượng tiền dồi dào này giúp tổng công ty “bỏ túi” khoảng 1.000 tỷ đồng từ lãi tiền gửi mỗi năm.

Trần Đức Minh (người đeo kính) cùng các đồng phạm. (Ảnh: Nguyễn Khoa).

PV Pipe – Thua lỗ triền miên

PV GAS được cổ phần hóa vào tháng 5/2011 với tỷ lệ sở hữu 95,76% của Petro Vietnam. Hiện nay, tổng công ty nắm giữ quyền kiểm soát hoặc cổ phần chi phối tại 7 công ty con và 1 liên doanh. Đó là PV Pipe, CTCP Kinh doanh Khí Miền Bắc (PV GAS North), CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam (PV GAS South), CTCP Phân phối khí Thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV GAS D), CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating), CTCP CNG Việt Nam, CTCP LNG Vietnam và Công ty TNHH Khí nhiên liệu giao thông vận tải PV Gazprom.

Giá trị đầu tư của tổng công ty vào các công ty con tại ngày 30/9 đạt 3.789 tỷ đồng; công ty liên kết, liên doanh đạt 58 tỷ đồng nhưng dự phòng đến 779 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào PV Pipe chiếm giá trị lớn nhất là 1.858 tỷ đồng với tỷ lệ sở hữu 99,99%.

Tuy nhiên, khoản đầu tư tại PV Pipe có giá trị hợp lý giảm dần theo thời gian vì hoạt động của công ty này vô cùng bết bát đến nỗi trong báo cáo thường niên 2018, PV GAS “giấu” luôn các chỉ tiêu tài chính của PV Pipe. Trong khi đó, PV GAS lại “khoe” thành tích của công ty con khác.

Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị hợp lý tại PV Pipe giảm 77 tỷ đồng và chỉ còn 1.099 tỷ đồng. Như vậy sau nhiều năm, tài sản do PV GAS đầu tư vào công ty con ty này đã bị “bốc hơi” 760 tỷ đồng.

Chưa dừng ở đó, công nợ của PV GAS tại PV Pipe lại trở thành khoản phải thu khó đòi khiến tổng công ty phải trích lập dự phòng. Tại ngày 1/1, nợ xấu của PV GAS tại PV Pipe là 263 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi là 120 tỷ đồng. Đến ngày 30/9, nợ xấu tăng lên 365 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi là 157 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm nay giá trị không thể thu hồi nợ xấu của PV GAS tại PV Pipe tăng vọt từ 143 tỷ đồng lên 208 tỷ đồng. Ngoài ra, PV GAS còn có khoản phải thu ngắn khác tại PV Pipe trị giá 413 tỷ đồng.

Rồi đây, ai sẽ chịu trách nhiệm khi khoản đầu tư vào PV Pipe liên tục thua lỗ?

Nhân viên PV Coating hầu tòa

Tháng 5 vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trần Đức Minh cùng đồng phạm tại PV Coating về các tội tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.

Tại thời điểm xảy ra vụ án, Trần Đức Minh giữ chức Giám đốc PV Coating (PV GAS nắm giữ 76,5% cổ phiếu tại PV Coating với vốn điều lệ 216 tỷ đồng). Trong thời gian PV Coating thực hiện dự án bọc ống chống ăn mòn và bê tông gia trọng cho dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1, Trần Đức Minh cùng đồng phạm đã chiếm đoạt vật tư trị giá hơn 48 tỷ đồng, gây hậu quả nghiệm trọng và hội đồng xét xử tuyên án 16 năm tù.

Theo TRÍ NGUYỄN/Người tiêu dùng