Sau 2 vụ chết người: Bệnh viện EMCAS đã xử lý như thế nào?

Không những không giấu giếm mà ngược lại lãnh đạo Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS còn rất “nhanh nhảu” khi luôn chủ động trong việc công bố thông tin về những vụ tử vong xảy ra tại bệnh viện này. Đi kèm với đó là việc “tự khoe” tinh thần trách nhiệm và có hàm ý “đùn đẩy” trách nhiệm cho bác sĩ chính phụ trách việc phẫu thuật…

Đi làm đẹp, 2 người chết …

Như đã thông tin, khoảng 14h30 ngày 17/10, bệnh nhân T. (sinh năm 1986) được bác sĩ Bệnh viện EMCAS (14/27 Hoàng Dư Khương, P.12, Q.10, TP.HCM) tiến hành đặt túi ngực qua đường nách. Khoảng 45 phút sau ca mổ, nạn nhân vẫn đi lại và ăn uống, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, 5 giờ sau thì sức khỏe bệnh nhân bất ngờ diễn tiến xấu, sùi bọt mép, lơ mơ …

Cấp cứu tại chỗ không hiệu quả, Bệnh viện EMCAS đã chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Nhân dân 115 lúc 22h cùng ngày. Tại đây, dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Trước đó, một sự cố tương tự cũng xảy ra tại chính bệnh viện này. Cụ thể, ngày 17/9/2017, chị Đ. (39 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) đã được BS. Trần Ngọc Quảng Phi trực tiếp phẫu thuật gọt cằm tại Bệnh viện EMCAS.

Ca mổ bắt đầu lúc 9h và kết thúc vào khoảng 12h cùng ngày như dự kiến. Tuy nhiên, sau 20 phút theo dõi, phát hiện chị Đ. chảy máu rỉ trong khoang miệng, bác sĩ phẫu thuật tiến hành cầm máu tại giường bằng khâu niêm mạc, đặt nẹp vis và theo dõi tiếp. Đến phút thứ 30, người bệnh đột ngột suy hô hấp, SpO2 giảm nhanh dưới 70%, vùng sàn miệng phù nề nên được xử lý mở khí quản tại giường. Trong quá trình mở khí quản, người bệnh ngưng tim, được xử lý hồi sức có lại mạch, nhịp tim. Sau khi sơ cấp cứu tại chỗ, bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu.

Bệnh viện EMCAS và cá nhân bác sĩ Phi sau đó đã đưa chị Đ. sang Singapore chữa trị. Nhưng do nhận thấy không khả quan, chị Đ. đã được đưa về điều trị tại các bệnh viện trong nước.

Sau gần 5 tháng sống đời sống thực vật, chị Đ. đã tử vong vào ngày 11/2/2018 để lại 3 người con, nhỏ nhất mới 3 tuổi.

Cơ quan chức năng đến làm việc tại EMCAS sau sự cố chết người.

EMCAS sợ liên lụy, đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra sự cố?!

Nói về sự cố nghiêm trọng vào năm 2018, BS. Phạm Xuân Khiêm, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS từng chia sẻ: Chị Đ. là bệnh nhân của TS. BS Trần Ngọc Quảng Phi. Bệnh viện và BS. Phi có sự hợp tác về chuyên môn. Bác sĩ này đứng ra chịu trách nhiệm phẫu thuật, còn bệnh viện chỉ hỗ trợ về cơ sở vật chất.

Bệnh viện EMCAS xác nhận, ngoài san sẻ chi phí thì suốt 5 tháng xảy ra sự cố, BS. Phi chưa trực tiếp đứng ra nhận trách nhiệm. Còn bệnh viện thì cam kết hỗ trợ chi phí cho con của bệnh nhân Đ. cho đến năm 18 tuổi?!

Được biết, việc giải phẫu tử thi là căn cứ gần như duy nhất để làm rõ nguyên nhân cái chết của bệnh nhân. Tuy nhiên, do người nhà của chị Đ. không có ý kiến khiếu nại hoặc yêu cầu giải phẫu tử thi nên nguyên nhân cái chết của chị Đ. vẫn mãi là điều bí ẩn?!

Còn ở vụ việc vừa qua, chỉ chưa đầy 12 giờ sau khi bệnh nhân T. tử vong, Bệnh viện EMCAS đã ra thông cáo báo chí trình bày chi tiết diễn biến, bác sĩ phụ trách ca phẫu thuật. Kèm theo đó là câu nói để lấy sự cảm thông dư luận: “Bệnh viện EMCAS luôn đồng hành với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từ lúc cấp cứu…”.

Một điểm chung có thể thấy là EMCAS đã rất chủ động thông tin khi xảy ra những sự cố chết người tại bệnh viện. Danh tính bác sĩ trực tiếp phẫu thuật, nguyên nhân ban đầu, trách nhiệm giữa các bên và đặc biệt là thiện chí của bệnh viện trong việc khắc phục hậu quả luôn luôn được nhắc đến?! Mục đích của việc làm này thiết nghĩ không nói thì ai cũng có thể hiểu!

a
Thông cáo báo chí của EMCAS.

Sốc phản vệ – nguyên nhân tử vong cao nhất khi phẫu thuật thẩm mỹ

Trong các tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ gây ra, nguy hại nhất là tai biến cấp tính vì các tai biến này có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Trong đó, dẫn đầu bảng là sốc phản vệ – một phản ứng dễ gây tử vong nhất. Nếu sốc phản vệ ở bệnh viện đã nguy hiểm thì sốc phản vệ ở các cơ sở thẩm mỹ tư nhân còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần. Bởi lẽ, hầu hết nơi đây đều không có bác sĩ hồi sức cấp cứu, thiếu phương tiện cấp cứu và ít có kinh nghiệm xử lý vấn đề này. Sốc phản vệ tại cơ sở thẩm mỹ có nhiều nguyên nhân nhưng hàng đầu là sốc do dị ứng với thuốc gây mê, nếu không xử trí nhanh, kịp thời, rất dễ dẫn tới tử vong.

Ngoài tai biến sốc phản vệ thường gặp trên, phẫu thuật thẩm mỹ cũng dễ gặp những tai biến khác do sự thay đổi thể tích của cơ thể. Tất cả những thay đổi thể tích này, nếu quá lớn và đột ngột, đều có thể gây ra sốc và tử vong vì đã làm thay đổi đột ngột phản ứng của cơ thể và hoạt động của hệ tim mạch. Tiếp đó là những biến chứng như nhiễm trùng ở bộ phận được phẫu thuật thẩm mỹ do sử dụng các vật liệu không bảo đảm hoặc chảy máu ồ ạt do đứt hay rách mạch máu. Ngoài ra còn có một tai biến rất nặng sau đó là tắc mạch máu sau can thiệp, do cục máu đông hình thành tại vị trí can thiệp hoặc do chất làm thẩm mỹ lọt vào máu, dẫn đến động mạch nhỏ và gây tắc. Nếu tắc mạch tại chỗ sẽ gây hoại tử, nhưng nếu tắc mạch tại não và tim sẽ gây tử vong.

Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS nơi xảy ra sự việc.

Theo Lý Trường – Minh Việt/Người tiêu dùng