Dư nợ bất động sản hiện hơn 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế

Ngân hàng Nhà nước cho biết, 9 tháng đầu năm, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ đổ vào bất động sản hơn 1,5 triệu tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vừa trình Quốc hội cho biết, các lĩnh vực rủi ro bất động sản và chứng khoán đều tăng so với cuối năm ngoái. Tính đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Riêng tín dụng đối với bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.

So với tháng 6 vừa qua, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã tăng khoảng 1 triệu tỷ đồng. Ảnh:T.L

Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cung cấp tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ diễn ra mới đây, tính từ đầu năm đến đầu tháng 10/2019, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ đổ vào bất động sản hơn 1,5 triệu tỷ đồng. So với tháng 6 vừa qua, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã tăng khoảng 1 triệu tỷ đồng.

Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, hiện các tổ chức tín dụng không thiếu vốn nhưng sẽ chỉ cho vay với những chủ đầu tư đủ điều kiện, đáp ứng hồ sơ, thủ tục, các chủ đầu tư có đất sạch, có khả năng sinh lợi nhuận thì ngân hàng sẵn sàng cho vay.

Tuy nhiên, trên thực tế, tín dụng bất động sản đang được các ngân hàng kiểm soát rất chặt. Theo các doanh nghiệp địa ốc, mặc dù có tài sản đảm bảo rất tốt nhưng nhiều doanh nghiệp muốn vay vài chục tỷ đồng cũng rất khó. Còn các ngân hàng lý giải rằng, hiện ngân hàng đã kịch trần “room” cho vay bất động sản nên dù có vay 1 tỷ đồng cũng khó chứ nói gì con số lớn hơn. Nếu các doanh nghiệp muốn vay thì họ phải chờ doanh nghiệp khác trả nợ thì mới còn “room” cho khách hàng kế tiếp.

Theo T.L/Người tiêu dùng