Tại sự kiện chuyên đề “Triển vọng thị trường xuất nhập khẩu (XNK)” do VietinBank tổ chức mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh, gần 200 lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực XNK trên toàn quốc đã tham gia để lắng nghe các chia sẻ về Rào cản ESG của các thị trường lớn đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, lộ trình chuyển đổi và giải pháp kỹ thuật cho các DN nhằm đáp ứng các quy định này.
Sự kiện chuyên đề “Triển vọng thị trường XNK” là hoạt động được VietinBank tổ chức định kỳ nhằm tri ân các khách hàng đã tin tưởng lựa chọn VietinBank là ngân hàng giao dịch. Chương trình mang đến những thông tin cập nhật về xu hướng quốc tế, chính sách của nhà nước và dự báo thị trường, giúp hỗ trợ cộng đồng DN trong việc ra quyết định trong bối cảnh thị trường toàn cầu luôn biến động và thay đổi không ngừng.
ESG, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tài chính khí hậu đã được thảo luận từ năm 1995 tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP) với sự tham gia của các quốc gia/tổ chức thành viên mỗi năm một lần. Trong nỗ lực toàn cầu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, các quốc gia đã và dự kiến sẽ tiếp tục đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về tiêu chuẩn ESG, trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Châu Âu, Mỹ, Úc…, buộc các DN XNK phải có các thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại sự kiện lần này, trong nội dung thảo luận về “Rào cản ESG của các thị trường lớn đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam & lộ trình chuyển đổi và giải pháp kỹ thuật cho các DN nhằm đáp ứng quy định”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã phân tích rất cụ thể về các quy định của thế giới về ESG, hiện trạng kinh tế xanh của Việt Nam, cơ hội và thách thức đối với DN XNK trong giai đoạn hiện nay cũng như lộ trình khả thi mà DN nên triển khai để có thể tiến tới phát thải ròng bằng 0.
Bên cạnh đó, đại diện của công ty TNHH PwC Việt Nam – ông Phạm Hải Âu cũng đưa ra các khuyến nghị đối với doanh nghiệp tham gia chuyên đề trong việc định vị lại chiến lược và các nhóm hành động cần tập trung nhằm vượt qua các thách thức ESG, cũng như xác lập cho doanh nghiệp một lộ trình chuyển đổi ESG hiệu quả.
Tại sự kiện, VietinBank đã ra mắt Hệ sinh thái ESG VietinBank với mục tiêu hỗ trợ DN có thể hiện thực hóa lộ trình phát triển bền vững. VietinBank đã và đang xây dựng mối quan hệ đối tác đa dạng trong nhiều lĩnh vực như cung cấp các dịch vụ tư vấn, đánh giá, xếp hạng.. nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nhu cầu doanh nghiệp để chuyển đổi ESG. Đó có thể là nhu cầu vay vốn để đầu tư nâng cấp dây chuyển sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường; cải tạo nhà xưởng để được cấp chứng nhận công trình xanh; bổ sung vốn lưu động để nhập nguyên vật liệu đầu vào có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xanh; tư vấn lập các báo cáo giảm phát thải, báo cáo phát triển bền vững… VietinBank cùng các cộng sự, đối tác của mình hoàn toàn có thể hỗ trợ các DN từng bước hoàn thành các mục tiêu, vượt qua các rào cản ESG và phát triển bền vững.
Riêng đối với sản phẩm tài chính bền vững, VietinBank đã xây dựng và triển khai bộ công cụ tài chính toàn diện bao gồm 05 nhóm sản phẩm chính: (i) Cấp tín dụng; (ii) Tài khoản quản lý; (iii) Mua bán ngoại tệ: (iv) Huy động vốn; (v) Dịch vụ tư vấn. Các sản phẩm này được thiết kế tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với Khung tài chính bền vững của VietinBank được đánh giá độc lập rất tích cực từ MorningStar Sustainalytics – Công ty hàng đầu về nghiên cứu, xếp hạng và dữ liệu ESG.
Tính tới hết Quý I/2024, tổng dư nợ tín dụng Xanh của VietinBank đạt 46 ngàn tỷ VND cho hơn 1,000 khách hàng, thuộc 6 lĩnh vực chính: Năng lượng tái tạo; Quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn; Xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm; Tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên; Nông nghiệp xanh; và Lâm nghiệp bền vững. Kết quả này tới từ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo VietinBank, cũng như thông qua việc thiết lập cơ cấu quản trị và nguồn nhân lực chuyên trách phục vụ nhu cầu “ESG” của khách hàng tại cả Trụ sở chính và 155 Chi nhánh. Gói Green up của VietinBank với quy mô 5.000 tỷ cũng mang tới cho DN các ưu đãi về lãi suất vay ngắn hạn và trung dài hạn, chính sách miễn phí duy trì gói tài khoản, không yêu cầu mức CASA duy trì bình quân tối thiểu trong tối đa 02 năm kể từ thời điểm áp dụng.
VietinBank cũng chủ động xanh hóa, giảm khí thải từ hoạt động của chính ngân hàng thông qua kế hoạch lắp đặt mới hoặc chuyển đổi nguồn điện sử dụng tại các tòa nhà văn phòng sang năng lượng tái tạo, các quy định về hạn mức sử dụng giấy, điện, nước tại các bộ phận… Nhờ đó, VietinBank đã giảm được 2% chi phí sử dụng nước sạch và 2% lượng tiêu thụ điện trên toàn hệ thống. Tòa nhà Trụ sở chính của VietinBank tại Hà Nội đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh 4 sao”. Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị của VietinBank có điểm ở mức cao so với trung bình ngành.
Tại sự kiện, ông Trần Hoài Nam – Phó Giám đốc Khối KHDN cũng đã nhấn mạnh “VietinBank sẵn sàng là cầu nối hỗ trợ các DN trong quá trình chuyển đổi; cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để tư vấn và giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững; sẵn sàng là cầu nối giữa các bên liên quan như các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính trong và ngoài nước và các doanh nghiệp, nhằm kết nối các cơ hội hợp tác trong tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính bền vững tại Việt Nam”.