Cổ phiếu HTT bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, lời cảnh báo cho nhà đầu tư

Cổ phiếu HTT của CTCP Thương mại Hà Tây vừa bị HOSE đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đây là lời cảnh báo cho nhà đầu tư vì viễn cảnh HTT bị hủy niêm yết là điều khó tránh khỏi.

Liên tiếp vi phạm công bố thông tin

Đầu tháng 9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã hủy niêm yết 3 cổ phiếu HLG của CTCP Tập đoàn Hoàng Long, KAC của CTCP Địa ốc Khang An và KSH của CTCP Damac GLS do vi phạm công bố thông tin.

Sau khi hủy niêm yết tại HOSE, 3 cổ phiếu này phải giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Do chưa khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết nên HLG, KAC và KSH tiếp tục bị đưa vào diện hạn chế giao dịch và chỉ được mua, bán vào ngày thứ Sáu hàng tuần.

Mới đây, HOSE đưa cổ phiếu HTT của CTCP Thương mại Hà Tây (Hà Tây) vào diện bị kiểm soát đặc biệt từ ngày 21/10 và chỉ được giao dịch vào phiên buổi chiều. Trước đó, HTT đã 2 lần bị HOSE đưa vào diện cảnh báo.

Lần thứ nhất bị cảnh báo từ 9/4 do Hà Tây lợi nhuận sau thuế năm 2018 bị âm 23,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2018 là âm 220 triệu đồng. Lần thứ 2 bị cảnh báo từ 21/8 do Hà Tây vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm.

Thời gian gần đây, Hà Tây liên tục chậm công bố thông tin như: Công bố quyết định xử lý vi phạm về thuế; Công bố chuyển từ lãi sang lỗ năm 2018 sau kiểm toán báo cáo tài chính; Báo cáo thường niên 2018; Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2019; công bố chênh lệch số liệu kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 và công bố nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.

Giải trình cho việc công ty vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hà Tây nhấn mạnh: Công ty chúng tôi có sự thay đổi về nhân sự, nhân viên kế toán mới chưa nắm bắt được cách làm việc với HOSE để tải báo cáo lên trang điện tử cũng nhưng các báo cáo tới HOSE đúng hạn.

Văn bản giải trình vào ngày 20/8 ghi rõ: “Hiện nay, nhân viên kế toán mới đã nắm bắt được cách thức làm việc nên công ty xin cam kết sẽ không vi phạm quy định công bố thông tin trên HOSE nữa”.

Thế nhưng, từ đó đến nay, công ty tiếp tục vi phạm chậm công bố thông tin thêm 3 lần nữa nên nguy cơ cổ phiếu HTT bị hủy niêm yết giống như HLG, KAC, KSH là điều khó tránh khỏi.

Từ ngày lên sàn đến nay, cổ phiếu HTT đã giảm 90% giá trị.

Cổ đông phân tán

Tiền thân là Công ty Vật liệu Điện máy và Chất đốt Hà Tây trực thuộc UBND tỉnh Hà Tây được thành lập từ năm 1958. Công ty được cổ phần hóa từ năm 2003.

Cổ phiếu HTT lên sàn HOSE vào ngày 5/7/2017 với giá đóng cửa 15.100 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm đó, cổ đông lớn duy nhất là ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc với tỷ lệ sở hữu 17,24% vốn điều lệ, tương đương 3.448.000 cổ phiếu. Tuy nhiên, từ 14/9 – 25/9/2018, ông Đào Văn Chiến đã bán sạch số cổ phiếu nói trên.

Cơ cấu cổ đông phân tán nên đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 phải tổ chức đến lần thứ 3 (ngày 23/9) mới thành công với 49 cổ đông, đại diện cho 4.582.600 cổ phần, chiếm 22,91% tổng số cổ phần có quyền biểu. Tuy nhiên, tất cả các nội dung trình đại hội đều không được thông qua với tỷ lệ 64,13% không tán thành.

Năm 2018, công ty báo lỗ 23,7 tỷ đồng. Sau đó, 6 tháng đầu năm nay, Hà Tây tiếp tục lún sâu với khoản lỗ 9,5 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6 lên 9,8 tỷ đồng. Công ty đang kinh doanh thua lỗ nhưng kế hoạch năm 2019 không được đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thông qua khiến kế hoạch kinh doanh bị thiếu định hướng.

Tài sản tập trung ở các khoản phải thu

Hà Tây hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản với các dự án đã hoàn thành và đang thi công như: Nhà đa năng dịch vụ thương mại và nhà ở số 7 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội), tòa nhà hỗn hợp trung tâm dịch vụ thương mại và nhà ở tại 89 Phùng Hưng (Hà Đông, Hà Nội), khách sạn Victory 1 (Hà Đông, Hà Nội), nhà ở thương mại và dịch vụ Phúc Hưng (Hiến Nam, Hưng Yên), khu đô thị Trung Văn mở rộng (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tại thời điểm 30/6, công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 190 tỷ đồng, tổng tài sản 284 tỷ đồng. Ngoài bất động sản đầu tư 81 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn 84 tỷ đồng thì tài sản còn lại của công ty tập trung ở các khoản phải thu dài hạn và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Điều đáng nói là khoản phải thu dài hạn và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác đều là các pháp nhân có liên quan Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đào Văn Chiến. Đây cũng là những điểm bị kết luận ngoại trừ bởi đơn vị kiểm toán Công ty TNHH Kiểm toán TTP.

Khoản phải thu dài hạn 47 tỷ đồng ở Công ty TNHH Rừng Chiến Thắng bị đơn vị kiểm toán nhận định: Không xác định được hiệu quả của hợp đồng hợp tác kinh doanh này. Công ty TNHH Rừng Chiến Thắng và Hà Tây có cùng người đại diện trước pháp luật nhưng công ty không thực hiện công bố thông tin giao dịch với người có liên quan.

Khoản góp vốn vào đơn vị khác (CTCP Trà – Dược Linh Dương và CTCP Xây dựng Phúc Hưng) trị giá 35 tỷ đồng không thể xác định được giá hợp lý do công ty chưa cung cấp báo cáo tài chính cũng như 2 đơn vị này chưa trả lời thư đối chiếu xác nhận phần góp vốn cho đơn vị kiểm toán.

Sau khi bán sạch cổ phiếu (tỷ lệ 17,24%) ở vùng giá cao vào tháng 9/2018, ông Đào Văn Chiến đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 12,5%) từ 10/10 – 8/11 ở vùng giá thấp có thể giúp cổ phiếu HTT tăng giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, công ty liên tiếp vi phạm công bố thông tin buộc HOSE đưa vào diện kiểm soát, kinh doanh thua lỗ liên tiếp và xu hướng cổ phiếu giảm giá dài hạn (đã giảm 90%) thì việc đầu tư cổ phiếu HTT là ẩn chứa nhiều rủi ro: Bị hủy niêm yết và giá tiếp tục giảm.

Theo Nguyễn Như/Người tiêu dùng