Giảm giá phải đi kèm với chất lượng

Trong kết quả khảo sát về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023 gần đây nhất của PwC Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu của mình với 62% có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu; 54% dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ; 18% dự định cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng tạp hóa và thực phẩm.
Giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụXu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng đã phản ánh vào kết quả kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp bán lẻ. Trong bối cảnh đó, các nhà bán lẻ lớn đang tiến hành cuộc chiến “giá rẻ” để giảm tồn kho, đồng thời nỗ lực duy trì hoặc mở rộng thị phần.

Để thu hút người tiêu dùng, siêu thị và các hệ thống bán lẻ đang áp dụng nhiều chương trình giảm giá sâu. Vừa qua, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã tổ chức chương trình “Siêu ưu đãi – Deal khủng cuối tuần” có mức giảm còn từ 5.000 đồng đến 1,27 triệu đồng cho người tiêu dùng mua hoá đơn trên 400.000 đồng trong khu tự chọn với các sản phẩm công nghệ, may mặc, đồ dùng và hóa phẩm. Đặc biệt, từ nay đến hết ngày 15/8, hệ thống siêu thị Co.op Mart tặng 2 phiếu mua hàng trị giá 50.000 đồng/phiếu, khi sử dụng thẻ NAPAS thanh toán thành công hóa đơn từ 500.000 đồng trở lên tại Co.opmart, Co.opXtra.

Hiện hệ thống siêu thị WinMart và chuỗi cửa hàng WinMart+ đang áp dụng chương trình giảm giá 20% cho tất cả mặt hàng hoa quả do Việt Nam sản xuất và nhập khẩu. Các mặt hàng thịt lợn, hoa quả, rau sạch Meat Deli cũng giảm giá đến 20%. Bên cạnh việc giảm giá, hệ thống bán lẻ này còn tổ chức chương trình “mua 2 tặng 1” đối với một số mặt hàng bánh ngọt, kem, bia, nước giải khát, nước giặt quần áo. Để tăng sức kết nối với người tiêu dùng, hệ thống siêu thị còn đầu tư mở thêm các gian hàng giảm giá lưu động tại các khu vực đông dân cư. Đặc biệt, các gian hàng này còn có các chương trình giảm giá 3% dành riêng cho khách hàng của ngân hàng đối tác.

Trước đó, hệ thống bán lẻ của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cũng đã tham gia vào cuộc chiến giảm giá đối với các sản phẩm công nghệ (ICT) và ký kết mở bán đặc biệt đối với một số model điện thoại giá rẻ như Xiaomi, Realme nhằm kích cầu tiêu dùng ở phân khúc thấp.

Siêu thị và các hệ thống bán lẻ đang áp dụng nhiều chương trình giảm giá sâu
Siêu thị và các hệ thống bán lẻ đang áp dụng nhiều chương trình giảm giá sâu.

Tăng hiệu quả kích cầu tiêu dùng

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), bước đi này đã giúp MWG tăng trưởng doanh thu hàng tháng trong bối cảnh thị trường chung suy giảm nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời trong dài hạn. Bù lại, doanh nghiệp này sẽ có lợi thế để đàm phán về giá nhập và quyền đặt giá với các model độc quyền. Nhờ đó, MWG sẽ có cơ hội duy trì hoạt động kinh doanh và mở rộng thị phần sau khi bước vào chu kỳ phục hồi của tiêu dùng.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục giảm giá để kích cầu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ sẽ khó có thể trụ vững trong lâu dài. Trong chia sẻ gần nhất, hệ thống Di động Việt cho biết doanh số trong nửa đầu năm 2023 chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 10 – 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý II, dù sức bán trong tháng 5, 6 đã liên tục tăng trưởng khoảng 20 – 30% sau khi tham gia cuộc chiến giá rẻ, nhưng so với quý I doanh số vẫn giảm khoảng 10%. Còn lợi nhuận rất thấp, hầu như không đáng kể.

Giảm giá, khuyến mãi được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sức mua nhưng theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, quan trọng hơn là đảm bảo chất lượng hàng hóa; khuyến mãi thật sự chứ không phải tăng giá cao trước khi giảm; cơ quan quản lý cần có sự giám sát chặt chẽ về hàng hóa, giảm giá…

Cùng chung nhận định này, một chuyên gia phân tích, cần có cơ chế, chính sách quản lý, kiểm soát giá cả để bình ổn thị trường, không làm xáo trộn đời sống người dân mà vẫn kích cầu được tiêu dùng.

Theo Giang Võ/Thời báo Ngân hàng