Quần thể di tích Cố đô Huế – biểu tượng cho sự tái sinh

Cách đây 30 năm (1993), Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới. 10 năm sau (2003), Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam tiếp tục được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Di sản văn hoá đầu tiên

Trong thông điệp chúc mừng gửi đến lễ kỷ niệm 30 năm di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế, ông Lazare Eloundou Assomo – Tổng giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO nhấn mạnh, kể từ khi Huế được công nhận là di sản thế giới cách đây 30 năm, thế giới đã vô cùng ấn tượng với hành trình của Huế, nơi minh chứng không chỉ thành tựu quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản thế giới, mà còn là biểu tượng cho sự tái sinh của Việt Nam bước ra từ gian khổ và những tàn phá sau hàng thập kỷ chiến tranh. Cố đô Huế đã chuyển mình từ một kho báu di sản bị tàn phá trở thành một biểu tượng nổi bật của bảo tồn di sản và hợp tác quốc tế. Quần thể Di tích Cố đô Huế đã hoàn toàn biến chuyển từ trạng thái cần được bảo tồn khẩn cấp của ba thập kỷ trước trở nên bền vững như ngày hôm nay. Để đạt được sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển bền vững không phải là một điều dễ dàng, nhưng trong 30 năm qua, sự nỗ lực của những chuyên gia và người dân nơi đây đã tạo nên một điểm đến di tích độc đáo.

Di sản Huế được tôn vinh và phát triển bền vững
Di sản Huế được tôn vinh và phát triển bền vững.

Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững, Cố đô Huế đang dần trở lại với vị thế, diện mạo vốn có trong lịch sử. Đa số các công trình kiến trúc thuộc hệ thống cung đình triều Nguyễn đã được lập hồ sơ, phục dựng, trùng tu… Về di sản phi vật thể, đã phục dựng, sưu tầm, lập hồ sơ khoa học phần lớn tác phẩm âm nhạc cung đình. Một số lễ hội cung đình quan trọng của triều Nguyễn được phục hồi thành công như: Lễ Ban Sóc, lễ Tế Giao, lễ Tế Xã Tắc, lễ Truyền lô – Vinh quy bái tổ… Từ khi Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa lịch sử luôn gắn liền với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Di sản phi vật thể ngày càng được khẳng định giá trị thương hiệu.

Bà Miki Nozawa – Quyền trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, UNESCO trân trọng và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác bền chặt với tỉnh Thừa Thiên – Huế trong thời gian qua, công tác bảo tồn di tích Cố đô đã được phát huy với tinh thần quyết tâm cao và đạt được nhiều kết quả to lớn. “Sau 30 năm, chúng ta vui mừng chứng kiến sự chuyển mình của khu Di sản Thế giới này với những kết quả vô cùng tích cực sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn. Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các phi vật thể khác. Cố đô Huế chính là một điển hình thành công tại Việt Nam và trong khu vực”, bà Miki Nozawa cho biết.

Giữ gìn và phát huy giá trị di sản

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn chưa được khắc phục, còn đó không ít các công trình tiêu biểu chưa được phục hồi, các tiềm năng, thế mạnh của Quần thể di tích Cố đô Huế chưa được phát huy hiệu quả. Các giá trị văn hoá phi vật thể tuy được ưu tiên đầu tư nhưng kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu. Việc giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh. Trước hết, cần chú trọng vào việc xây dựng đội ngũ con người đủ năng lực phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn, nghiên cứu khoa học, trùng tu, phát huy giá trị một cách bền vững và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao; tổ chức và tham gia lập các quy hoạch liên quan đến di tích một cách khoa học làm khung pháp lý cho công tác quản lý, bảo tồn, phát huy trong giai đoạn tới; tiếp tục nghiên cứu phục hồi, tu bổ, tôn tạo những công trình quan trọng.

Ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế – chia sẻ: Hệ thống cơ sở dữ liệu di sản đồ sộ của di sản cần được sưu tập, biên soạn, hệ thống hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý một cách khoa học, tập trung. Đồng thời, tận dụng cuộc CMCN 4.0, đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, tính đặc thù của di sản cố đô Huế. Các giá trị văn hoá phi vật thể, như âm nhạc truyền thống cung đình, thơ văn trên kiến trúc cung đình, các lễ hội, nghệ thuật ẩm thực, cổ vật, văn vật triều Nguyễn… cần được xác tín đầy đủ các giá trị, chuyển tải và truyền thông rộng rãi cho công chúng trong và ngoài nước. Hiện Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng lại hơn 70% kho tàng về Nhã nhạc. Nhà hát vừa nghiên cứu vừa trình diễn, hiện vẫn tiếp tục xây dựng hệ thống tư liệu để nâng cao giá trị các bộ môn nghệ thuật cung đình, giới thiệu tinh hoa của Việt Nam với thế giới. Việc giải quyết hài hoà bài toán giữa bảo tồn và phát triển luôn là một thách thức không nhỏ đối với những người làm công tác quản lý di sản nói chung.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang xây dựng Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định vai trò “hạt nhân” của Quần thể di tích trong quá trình phát triển đưa Thừa Thiên – Huế trở thành đô thị di sản đặc thù. Giai đoạn tiếp theo là hướng tới việc phát triển di sản bền vững, thổi được cái hồn, gia tăng giá trị về lịch sử văn hóa để khách tham quan cảm nhận được bằng trực quan giá trị tiềm tàng, câu chuyện đằng sau mỗi công trình, di sản. Đồng thời, bám sát nguyên tắc xử lý hài hoà mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy gía trị của di sản để tạo ra những giá trị kinh tế phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững.

Theo Thảo Nguyên/Thời báo Ngân hàng