Có thể khẳng định, khoa học-công nghệ là chìa khóa cho sự tăng trưởng của thành phố trong tương lai…
TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và kèm theo nhiều chính sách hỗ trợ phát triển khoa học – công nghệ. Nhờ vậy, năm 2022, TP. Hồ Chí Minh đứng vị trí 111 trong danh sách 1.000 thành phố đổi mới sáng tạo trên thế giới. Tuy vậy, hiện mô hình tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh vẫn theo chiều rộng, sự đóng góp của năng suất đi theo hướng tổng hợp và đang có xu hướng chững lại.
Có thể khẳng định, khoa học-công nghệ là chìa khóa cho sự tăng trưởng của thành phố trong tương lai. Chính vì vậy, một cơ chế vượt trội phù hợp và năng lực hấp thu khoa học-công nghệ là yếu tố quyết định cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai.
TS. Nguyễn Trọng Hoài, Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 14.000-15.000 USD/năm vào năm 2040 của thành phố là đầy thách thức nếu không đặt khoa học-công nghệ là một trong những trọng tâm phát triển.
Nhìn nhận thực tế, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dù thành phố đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này nhưng cũng đang gặp không ít thách thức. Trong đó có thể kể đến việc đầu tư cho khoa học – công nghệ còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh và xu hướng chung trên thế giới.
Các chuyên gia cho rằng Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: Nhiều tiềm năng, lợi thế của TP. Hồ Chí Minh chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là các chính sách hỗ trợ phát triển khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của TP. Hồ Chí Minh thời gian qua chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, chưa kiến tạo được động lực mới, không gian mới cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững của thành phố. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh có 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ chiếm tỷ trọng cao là cơ khí chế tạo, điện tử – công nghệ thông tin, hóa chất – nhựa, cao su và chế biến tinh lương thực, thực phẩm đang tăng dần qua các năm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh đang chuyển dần sang nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây, giống con và các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị sản xuất tập trung có năng suất cao.
Các chuyên gia cũng khẳng định, muốn phát triển khoa học công nghệ phải hỗ trợ và nuôi dưỡng doanh nghiệp ngay từ đầu để đạt hiệu quả tốt nhất. TS. Võ Văn Khang, Chi hội An toàn thông tin phía Nam cho rằng, Nhà nước nên đặt hàng doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao vì ở lĩnh vực này, họ có thể cung cấp có những sản phẩm tốt, có cơ chế linh động.
Để tạo động lực cho sự phát triển TP. Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất, cơ sở hạ tầng số cần được quan tâm đầu tư, cập nhật nhanh những tiến bộ mới trên thế giới.
Phó bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải cho rằng, TP. Hồ Chí Minh có nguồn tài nguyên lớn là đội ngũ các nhà khoa học, doanh nghiệp… và trách nhiệm của thành phố là làm cho nguồn tài nguyên này phát triển để đáp ứng mong muốn, kỳ vọng đưa khoa học – công nghệ thành mũi nhọn phát triển kinh tế – xã hội. Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Để đạt được mục tiêu này, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực nêu trên.
“TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực có ưu tiên như: công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo, và internet vạn vật (IoT). Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu sang doanh nghiệp, từ ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm và dịch vụ thực tế. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng địa phương sẽ tạo ra một môi trường thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn”, ông Nguyễn Hồ Hải yêu cầu.y