Sau khi tăng 22%, mức lương trung bình của phi công cao vượt trội so với thu nhập bình quân của Ban Giám đốc Vietnam Airlines. Liệu đây có phải áp lực cho “anh cả” ngành hàng không khi mà Vietnam Airlines vừa chứng kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm sụt giảm mạnh?
Tăng lương 22%
Theo kế hoạch, phải đến tháng 6/2020, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mới thực hiện việc tăng lương với phi công. Thế nhưng, cuối ngày 9/10/2019, Vietnam Airlines khiến dư luận bất ngờ khi công bố thực hiện sớm việc tăng lương với phi công từ 1/9/2019. Mức tăng là 22% so với 1/6/2019, lần điều chỉnh lương mới nhất tại Vietnam Airlines.
Sau điều chỉnh, thu nhập trung bình dành cho lái chính và giáo viên của Vietnam Airlines khoảng 229 triệu đồng/tháng, lái phụ là 136 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập cao nhất dành cho lái chính và giáo viên là 271 triệu đồng/tháng, lái phụ là 160 triệu đồng/tháng.
Trong thông cáo phát đi, Vietnam Airlines cho biết việc tăng lương trước lộ trình là nỗ lực lớn của tổng công ty trong bối cảnh chịu nhiều ràng buộc từ cơ chế quản lý, quy định của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trước đó, Vietnam Airlines gặp nhiều lùm xùm vì phi công “chê” lương thấp hơn các đối thủ khác như VietJet Air hay Bamboo Airways.
Điều đáng nói, sau khi tăng lương, mức thu nhập bình quân của phi công Vietnam Airlines cao hơn hẳn thu nhập trung bình 6 tháng đầu năm của Ban Giám đốc Vietnam Airlines.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét của Vietnam Airlines, trong kỳ, Vietnam Airlines đã chi 7,23 tỷ đồng cho ban giám đốc, giảm khá mạnh so với con số 8,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, bình quân, mỗi lãnh đạo Ban Giám đốc Vietnam Airlines nhận 904 triệu đồng/người/6 tháng, tương đương 150,6 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, sau khi được tăng lương, phi công Vietnam Airlines nhận được mức thù lao cao hơn 78,4 triệu đồng/người/tháng so với mức bình quân của ban giám đốc. Đây là điều khá ngạc nhiên vì thu nhập của phi công đang tăng mạnh nhưng thu nhập của lãnh đạo cấp cao Vietnam Airlines lại giảm sâu.
Vietnam Airlines có gặp áp lực?
Lương đóng góp tỷ lệ không nhỏ trong chi phí hoạt động của Vietnam Airlines. Với việc lương phi công tăng tới 22%, nhiều người lo ngại tình hình tài chính của hãng hàng không này sẽ bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt trong bối cảnh Vietnam Airlines vừa phải chứng kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm sụt giảm.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.381 tỷ đồng, giảm 130 tỷ đồng, tương ứng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận tăng trưởng âm bất chấp doanh thu tăng từ 47.944 tỷ đồng lên 50.115 tỷ đồng.
Vì vậy, việc tăng lương kỳ này được cho là sẽ kiềm chế tăng trưởng của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, cần phải biết, lần này, Vietnam Airlines không áp dụng tăng lương ồ ạt, chỉ phi công thuộc đội bay Boeing 787 (B787) và Airbus A350 mới trong danh sách được tăng lương.
Hiện tại, số lượng đội bay Boeing 787 (B787) và Airbus A350 chỉ chiếm khoảng 30% tổng đội tàu bay tại Vietnam Airlines. Như vậy, ước tính, mức tăng lương chung cho toàn bộ phận phi công tại Vietnam Airlines chỉ khoảng 6,6% (giả sử mức lương tại các đội bay không có nhiều chênh lệch).
Mức tăng lương 6,6% không phải nhỏ nhưng cũng không phải quá lớn. Vì vậy, đợt tăng lương này có thể không ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, trước đó, từ 1/6, Vietnam Airlines đã thực hiện tăng lương đồng loạt cho phi công sau khi hàng loạt phi công của Vietnam Airlines đã gửi đơn kiến nghị với 16 chữ ký trực tiếp gửi đến Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phản ánh về việc hãng hàng không quốc gia đang vi phạm Luật Lao động hồi tháng 5/2018. Động thái tăng lương này có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines trong quý 3/2019.
Thông tin tăng lương từ hồi tháng 6, góp phần không nhỏ khiến cổ phiếu HVN đi lùi. Đóng cửa phiên giao dịch 9/10, HVH dừng ở mức 34.800 đồng/cổ phiếu, giảm 8.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng 19,4% so với ngày 7/6 – thời điểm thông tin tăng lương được công bố rộng rãi. Như vậy, vốn hóa thị trường Vietnam Airlines đã giảm 11.914 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, không chỉ Vietnam Airlines, mà tất cả các hãng hàng không đang hoạt động trên thị trường đều phải đối mặt với khó khăn lớn. Đó là sự tham gia của một vài hãng hàng không mới khác.
Theo Bảo Linh/Người tiêu dùng